Mới đây, một nhóm gồm 6 chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường ĐH ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau khi bảng xếp hạng được công bố đã gây ra một làn sóng tranh luận bởi bảng xếp hạng này có phần "vô lý" khi những trường Đại học danh tiếng bậc nhất cả nước lại được xếp sau các trường Đại học khác, thậm chí ở gần cuối bảng xếp hạng.
Trả lời VTC News về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội - ngôi trường được xếp vị trí cao nhất nhất trong bảng xếp hạng - cho rằng, BXH 49 ĐH Việt Nam vừa công bố còn tồn tại quá nhiều bất cập nên gây tranh cãi cũng là điều dễ hiểu.
Video: Đỗ đại học nhưng không học, 12.000 thí sinh đi đâu?
- Bảng xếp hạng do nhóm 6 chuyên gia độc lập lần đầu nghiên cứu và công bố tại buổi tọa đàm chiều ngày 6/9 đang gây nhiều tranh cãi. Với vai trò là lãnh đạo Trường ĐH Quốc gia Hà Nội - ngôi trường được tôn vinh ở vị trí số 1, ông có nhận xét gì về BXH này?
Tôi thực sự quan tâm vì lần đầu tiên có một kết quả xếp hạng các trường đại học của Việt Nam. Các bảng xếp hạng quốc tế trước đây, quanh đi quẩn lại chỉ có tên của các trường ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM và một vài trường khác ở các thứ hạng rất khiêm tốn.
Do vậy, nỗ lực của nhóm nghiên cứu độc lập này là rất đáng khích lệ.
Dù còn nhiều hạn chế, bất cập, nhưng nhờ có BXH này mà lần đầu tiên chất lượng hoạt động của nhiều trường ĐH của Việt Nam cơ bản được định vị. Dù chưa thừa nhận chính thức kết quả công bố, nhưng đây là cơ hội để các trường tự soi xét lại chất lượng hoạt động của mình, tìm ra những thiếu sót, tồn tại và nguyên nhân nội tại.
Các trường cũng nên nhìn BXH theo hướng tích cực, phát hiện những bất cập để trao đổi, góp ý cho nhóm nghiên cứu để đưa ra BXH hoàn thiện. Theo tôi, dù có ồn ào đôi chút, nhưng bước đầu nên ghi nhận hiệu ứng tích cực của BXH.
- Sau khi bảng xếp hạng này được công bố, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về độ chính xác của kết quả này. Còn ông nhận xét gì về điều này?
Phổ biến nhất hiện nay, các bảng xếp hạng vẫn đang tập trung vào 3 nhóm tiêu chí. Đó là: Chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và mức độ quốc tế hóa.
Nhóm nghiên cứu ở đây cũng đã đưa ra 3 nhóm tiêu chí, trong đó đào tạo và nghiên cứu là 2 nhóm tiêu chí cơ bản và phổ biến của thế giới. Riêng tiêu chí thứ 3 về cơ sở vật chất và quản trị là nhóm tiêu chí mới, có tính tích hợp, sáng tạo để áp dụng cho Việt Nam. Các tiêu chí đưa ra vừa phản ánh được cả quy mô (số lượng bài báo), chất lượng, tầm ảnh hưởng của công trình (số trích dẫn) và năng suất (số bài báo trung bình cho mỗi giảng viên)…
Tuy nhiên, bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam vừa qua còn tồn tại quá nhiều bất cập nên gây tranh cãi cũng điều dễ hiểu.
- Những bất cập trong bảng xếp hạng trên cụ thể là gì, thưa ông?
Hạn chế chủ quan thứ nhất về đào tạo đó là sản phẩm đầu ra chưa được đánh giá. Ở các bảng xếp hạng khác người ta thường khảo sát ý kiến về mức độ hài lòng của các nhà tuyển dụng. Việc BXH chưa có sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng cũng dễ làm giảm sự tin cậy.
Hạn chế chủ quan thứ hai về nghiên cứu là bộ tiêu chí của bảng xếp hạng này chưa đạt được sự “thống nhất trong đa dạng”. Tiêu chí xếp hạng phải thống nhất, nhưng chỉ số, chỉ tiêu phải phù hợp cho các lĩnh vực khoa học, ngành nghề khác nhau.
Năng suất công bố quốc tế của các giảng viên khối khoa học tự nhiên, công nghệ - kỹ thuật yêu cầu phải cao hơn khối khoa học xã hội và nhân văn.
Các bảng xếp hạng của thế giới họ thường không vấp phải bất cập này vì hầu hết các trường đại học trên thế giới là các đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Còn ở Việt Nam ta mô hình đại học như vậy không nhiều, cho nên xếp hạng các trường đại học đơn ngành (lĩnh vực) và nhất là các trường đại học khối khoa học xã hội nhân văn với cùng một trong số sẽ gây nên bất cập.
Nên xếp hạng các trường đại học theo tiêu chuẩn gắn sao như khách sạn thay vì xếp theo số thứ tự 1, 2, 3... bởi vì mỗi mỗi trường đều có hình thức và tính chất đào tạo mang tính đặc thù của mình.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức
Ở Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đang áp dụng chỉ tiêu công bố cho các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn chỉ bằng 25% chỉ tiêu của các trường khối khoa học tự nhiên, công nghệ và y-dược. Bất cập khách quan cũng xuất hiện do sự không tương thích giữa xu hướng hội nhập.
Lý do gây tranh cãi ở BXH này chính là việc một số trường đại học của Việt Nam có điểm tuyển sinh cao nhưng xếp hạng trong bảng này lại thấp. Xin nói rõ là điểm tuyển sinh chỉ là thông số để đo “uy tín” của các trường trong cùng lĩnh vực, chứ không thể lấy đó để so sánh với các lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra, nhóm cũng nên quan tâm đến một nguyên tắc cơ bản khi xây dựng các bộ tiêu chí và các trọng số phải đảm bảo đầy đủ và cân đối giữa nguồn thông tin do các trường đại học cung cấp trực tiếp và thông tin, dữ liệu khách quan do tổ chức xếp hạng theo khảo sát và thu thập từ các cơ sở dữ liệu quốc tế và ý kiến chuyên gia, nhà tuyển dụng.
- Theo ông, làm thế nào để việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học diễn ra một cách minh bạch, khách quan và ngăn chặn những tiêu cực trong xếp hạng?
Xếp hạng là nhiệm vụ của các tổ chức, nhóm chuyên gia độc lập. Nhưng trong đó cần phải có nhiều hơn các chuyên gia am hiểu về quản trị đại học và hiểu rõ hoạt động của đại học Việt Nam tham gia vào.
Cần phải xây dựng được bộ tiêu chí rộng hơn, bao quát hơn các hoạt động và đóng góp cho cộng đồng các trường đại học. Đồng thời, cũng nên tránh dần khái niệm xếp hạng vị trí (ranking) vì có thể tạo ra một vài sự cạnh tranh không cần thiết.
Theo đó, tôi cho rằng, xếp thứ hạng các trường theo cách “gắn sao” theo cách mà QS Star cũng là giải pháp tốt. Thay vì xếp hạng vị trí thì hình thức “gắn sao” theo nhóm trường như cách gắn sao trong hệ thống khách sạn.
Nên xếp hạng các trường đại học theo tiêu chuẩn gắn sao như khách sạn thay vì xếp theo số thứ tự 1, 2, 3... bởi vì mỗi mỗi trường đều có hình thức và tính chất đào tạo mang tính đặc thù của mình.
Hiện nay ở Việt Nam đã có ba trường ĐH FPT, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia xếp hạng và đạt mức 3 sao.
Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ áp dụng cách tiếp cận của QS Star và mở rộng thêm các nhóm tiêu chí phản ánh hết tất cả các đặc trưng của “đại học 4.0”.
Dự kiến, vào cuối 2018, Việt Nam sẽ có một bảng xếp hạng đối sánh trên cổng điện tử trực tuyến, cụ thể là các trường sẽ tự đánh giá theo các tiêu chuẩn đã được đưa ra trên hệ thống này.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận