• Zalo

Phổ điểm môn tiếng Anh đạt 2 đỉnh: Có bất thường?

Tuyển sinhThứ Hai, 26/07/2021 08:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, điểm thi tiếng Anh năm nay khác biệt khi xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng phổ điểm.

Phổ điểm môn tiếng Anh đạt 2 đỉnh: Có bất thường? - 1
Phổ điểm môn tiếng Anh đạt 2 đỉnh: Có bất thường? - 2

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2021 cho thấy, cả nước có 866.993 thí sinh tham gia thi môn này. Trong đó điểm trung bình là 5,84, điểm trung vị là 5,6, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4. Số thí sinh có điểm <= 1 là 144 (chiếm tỷ lệ 0,02%) và 349.175 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 40,27 %).

Đặc biệt, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay khác biệt khi xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng một phổ điểm. Đỉnh thứ nhất với khoảng tích điểm là 4 - 5 điểm, đỉnh thứ 2 là khoảng 7 - 8 điểm.

Theo TS Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học FPT, kết quả này trùng lắp với phổ điểm tiếng Anh thi lớp 10 của Hà Nội vừa qua với 1 đỉnh dành cho số đông và 1 đỉnh cho đối tượng đầu tư tiếng Anh nhiều.

PGS Nguyễn Phong Điền cũng cho rằng, nguyên nhân phổ điểm môn tiếng Anh có 2 đỉnh là do phân hoá về điều kiện dạy học, như cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh đối với môn học này.

So với kết quả những năm trước, GS.TS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, phổ điểm tiếng Anh năm nay dịch chuyển theo hướng tích cực hơn. Đỉnh bên trái của phổ (khoảng 4 - 5 điểm) cao hơn đỉnh của năm 2020 (3 - 3,8 điểm). Điều này cho thấy tuyệt đại đa số thí sinh có kết quả học tập môn tiếng Anh tiến bộ hơn.

Ông cho rằng, đỉnh bên phải của phổ điểm (khoảng 7 - 8 điểm) là minh chứng cho phong trào học tiếng Anh những năm gần đây đã có tác dụng. Với nỗ lực của hội nhập cũng như tác động của nhiều yếu tố khác, kết quả học tiếng Anh trong các trường phổ thông đã có chuyển biến rõ rệt.

Sự xuất hiện của đỉnh thứ 2 trong phổ điểm môn tiếng Anh là tín hiệu rất đáng mừng, bước đầu khẳng định hướng đi đúng đắn và chất lượng giáo dục tiếng Anh dần được nâng lên.

Để có những chỉ đạo trong công tác quản lý và tổ chức triển khai dạy học tiếng Anh đạt hiệu quả hơn, TS Quách Tuấn Ngọc đề nghị Bộ GD&ĐT phân tích cụ thể nguyên nhân tạo nên 2 đỉnh của phổ điểm môn tiếng Anh.

Theo đó, cần phân loại cụ thể địa phương/vùng miền nào có phổ điểm lệch trái, nơi nào với điều kiện ra sao thì phổ điểm lệch phải. Những phân tích ấy sẽ có tác dụng rất lớn, giúp Bộ GD&ĐT, đặc biệt là các Sở GDĐT có sự điều chỉnh công tác chỉ đạo và triển khai dạy học để chất lượng giáo dục được nâng lên.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn