Ông Trần Tấn Huyên, bố chị Trần Thị Thành kể: Sau khi tốt nghiệp hệ Cao đẳng (ngành sư phạm Trường Đại học Phạm Văn Đồng), con gái ông vào TP.HCM tìm việc làm.
Chị Thành (SN 1991) đã được nhận vào thử việc tại một cơ sở giáo dục ở TP.HCM. Làm được một thời gian, để hoàn thiện hồ sơ công chức, đơn vị này yêu cầu chị Thành bổ sung thêm sơ yếu lý lịch.
Cuối tháng 11/2016, ông Trần Tấn Huyên (thương binh 3/4, SN 1955) mang sơ yếu lý lịch của con gái đến UBND xã Tịnh Khê và được ông Đỗ Minh Cường, Phó chủ tịch xã nhận xét, ký xác nhận.
Thay vì xác nhận lời khai trên lý lịch của chị Thành là đúng hay sai thì ông Đỗ Minh Cường đã ký, bút phê: “Bà Trần Thị Thành hộ khẩu xã Tịnh Khê, gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”.
Cầm lý lịch trên tay, ông Huyên phân vân: Gia đình được Chủ tịch xã công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liền (2012 - 2014), gia đình ông cũng luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như các phong trào do địa phương phát động.
“Tôi có thắc mắc với lãnh đạo xã, tại sao lại ghi như vậy? Nhưng lãnh đạo xã không giải thích vì sao, mà họ nhất quyết ghi vào sơ yếu lý lịch của con tôi như trên”.
Vì nội dung xác nhận trong lý lịch với nội dung như vậy nên ông Huyên không dám gửi cho con gái. Con gái ông đành nghỉ việc và hiện đi bán quần áo ở TP.HCM.
Phó chủ tịch xã nói gì?
Ông Đỗ Minh Cường, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, sở dĩ bộ phận chuyên môn văn phòng thống kê xác nhận sơ yếu lý lịch bà Trần Thị Thành như vậy vì ông Huyên có quá trình thực hiện nghĩa vụ công dân chưa tốt. Cụ thể, đã lấn đất sản xuất, chậm bàn giao mặt bằng để xây dựng nghĩa trang... UBND xã đã nhiều lần mời làm việc, tuyên truyền vận động, sau đó ông mới chấp hành.
Video: Bị xã phê xấu vào lý lịch, tân sinh viên bị trả hồ sơ nhập học
Theo ông Cường, trước khi bộ phận văn phòng xác nhận vào sơ yếu lý lịch của chị Thành, đã có sự thống nhất của Bí thư và Chủ tịch xã chứ không phải tự nhiên xác nhận như vậy.
Việc xã phê vào sơ yếu lý lịch của công dân như vậy cũng là một cách quản lý của địa phương. Địa phương cũng cần có chế tài để quản lý công dân, ông Cường khẳng định.
“Riêng đối với bản thân chị Thành, tôi nghĩ việc phê như vậy sẽ không ảnh hưởng gì, chị Thành vẫn làm việc bình thường, vì xã đâu có xác nhận bản thân chị Thành không chấp hành chủ trương đâu”, ông Cường lập luận.
Theo công văn hướng dẫn số 1520, ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ chứng chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.
Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân...
Ông Cường cũng thừa nhận việc phê như vậy trong sơ yếu lý lịch là không đúng công văn hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Tuy nhiên, lý do mà ông Cường đưa ra là do chưa nhận được công văn hướng dẫn này.
“Từ ngày ban hành đến giờ xã chưa nhận được công văn hướng dẫn 1520 nên chưa nắm hết quy định”, ông Đỗ Minh Cường cho biết.
Bình luận