Tại Đại hội VFF khoá IX vừa qua, ông Trần Anh Tú đã đắc cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF với 100% phiếu thuận. Ông Tú không gặp phải sự cạnh tranh nào khi là ứng viên duy nhất cho vị trí này.
Ông Trần Anh Tú đang là Ủy viên thường trực ban chấp hành VFF khóa VIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Ngoài ra, ông Tú cũng được biết đến với những đóng góp quan trọng giúp đội tuyển futsal Việt Nam 2 lần tham dự World Cup. Ông Tú chia sẻ với giới truyền thông về dự định và tầm nhìn của mình với bóng đá Việt Nam khi nhận trách nhiệm vô cùng quan trọng.
- Ông có cảm xúc thế nào khi trở thành Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF?
Tôi có một chút kinh nghiệm về chuyên môn, thực sự tôi rất vui và rất lo vì thành tích của bóng đá Việt Nam ở nhiệm kì vừa qua là chưa từng có. Ở nhiệm kì này để duy trì thành tích cũng là điều rất khó khăn. Tôi nghĩ với kinh nghiệm của Chủ tịch Trần Quốc Tuấn và sự đồng lòng của Ban chấp hành, VFF sẽ đạt được mục tiêu của nhiệm kì 2022-2026.
- VFF đưa ra nhiều mục tiêu trong nhiệm kì tới. Theo ông, đâu là mục tiêu mà VFF cần tập trung hướng tới?
Tất cả mục tiêu đều quan trọng, tất cả các đội tuyển cần vào vòng chung kết châu Á, nếu không làm được thì đây là sự thụt lùi về thành tích. Điều này rất quan trọng, việc được thi đấu với các đội tuyển ở châu lục giúp trình độ của chúng ta nâng lên. Trong các mục tiêu thì đây là điều đầu tiên cần làm. Chúng ta có thể đi ngang về thành tích tức là giữ được thành tích, đội tuyển Việt Nam phấn đấu vào vòng loại thứ 3 World cup 2026.
HLV Park tuyên bố sẽ dừng lại, chúng ta bước vào chu kì mới. Đội tuyển futsal 2 lần đi World Cup, khi có thành tích thì đội tuyển futsal trở thành đối trọng nhiều người muốn đánh bại, bởi vậy giành vé đi World Cup lần 3 không dễ. Chúng tôi cũng đưa ra thay đổi để giải futsal VĐQG thay đổi giúp đội tuyển futsal mạnh hơn.
Ở SEA Games, chúng ta vô địch 2 lần với U23 Việt Nam cũng như đội tuyển nữ và giữ được thành tích này vô cùng khó. Các đối thủ Đông Nam Á đều muốn thắng Việt Nam, vào chung kết cũng đã khó rồi. Bóng đá phải đi lên chứ không được phép thụt lùi. Còn khó khăn là việc của khó khăn.
- Mới đây, ông mời được một HLV rất nổi tiếng là Diego Giustozzi cho đội tuyển futsal Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm tìm HLV cho đội tuyển Việt Nam không?
Việc tìm HLV mới cho đội tuyển Việt Nam không dễ dàng. Với futsal, chúng ta có thuận lợi là thương hiệu lớn ở cấp độ quốc tế nên dễ mời các HLV danh tiếng. Thời gian qua, đội tuyển Việt Nam cũng đã xây dựng được hình ảnh tốt hơn rất nhiều. Nhưng tìm HLV mới cần phù hợp văn hoá, phù hợp với đội tuyển và cả yếu tố tài chính nữa.
- Còn về HLV trưởng của U23 Việt Nam thì sao, thưa ông?
Có nhiều khó khăn trong việc tìm HLV mới, chúng tôi phải bàn gấp và triển khai trong những cuộc họp sắp tới. Muốn tuyển được HLV trưởng mới cho đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam thì chúng tôi cần sự đồng ý của Chủ tịch, Thường trực Ban chấp hành và Ban chấp hành. Đây là điều cực kì quan trọng để giúp chúng ta có một đội tuyển trẻ mạnh, tạo lớp kế cận cho đội tuyển quốc gia.
- Ông từng chi rất nhiều tiền túi khi làm bóng đá và khi thu về kết quả thì ông nghĩ gì về điều này?
Thực ra VFF trước đây không phải một Liên đoàn có nền tảng tài chính tốt và không kiếm được nhiều tiền như trong 2 nhiệm kì 7 và 8 gần đây. Sau thành công của U23 Việt Nam năm 2018 thì nguồn tài chính mạnh hơn rất nhiều. Bản thân tôi trước đây có hỗ trợ một phần tài chính cho các đội tuyển và tập huấn nước ngoài với mong muốn đồng hành, giúp bóng đá Việt Nam.
Nhưng hiện nay VFF có khả năng tự gánh vác các chi phí để phục vụ các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải tính toán và chi tiêu hợp lý. Dù có tiền nhiều như thế nào nhưng chi tiêu không cẩn thận vẫn là sự lãng phí lớn. VFF cần tính toán để đạt được mục tiêu và vẫn không lỗ.
- Vừa qua, bản quyền V-League được bán với giá cao và công nghệ VAR được áp dụng trong năm 2023, ông nghĩ gì về điều này?
Cả 2 đầu việc đều khiến tôi cảm thấy vui. Có lẽ, thực sự rất khó để đốt cháy giai đoạn, phải đến thời điểm thì mới làm được. Cách đây 5-7 năm rất khó bán được bản quyền như vậy. Nhưng bây giờ, công nghệ phát triển, bản quyền truyền hình thay đổi, các bản quyền quốc tế mình mua giá cũng rất cao. Quy luật thị trường là vậy, giá trị V-League giờ cũng khác và chúng ta nâng cao được giá trị với người hâm mộ và đối tác, bởi vậy VPF mới bán được như vậy.
Về công nghệ VAR, VPF muốn triển khai sớm nhưng chúng tôi chưa quá mạnh về tài chính để triển khai được như bây giờ. Khi làm việc với FIFA, giai đoạn mời họ sang và làm việc rồi, nhưng đến khi triển khai các bước phê chuẩn thì dịch bệnh ập đến.
Bây giờ, tài chính VPF mạnh hơn và việc liên lạc đối tác cũng dễ dàng hơn. Rất hi vọng chúng ta sẽ làm được theo kế hoạch như vậy. Vẫn là phải chờ FIFA phê chuẩn thì mới có thể áp dụng.
- Là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông có thể cho biết về kế hoạch của mình liên quan đến công tác đào tạo trẻ thời gian tới?
Chúng ta có một nền tảng đào tạo trẻ rất bài bản nhiều năm qua. VFF tiếp tục phát huy nền tảng ấy nhưng chúng tôi phải cân nhắc tăng số lượng trận đấu các giải trẻ. Điều này phụ thuộc tài chính của CLB và phải cân đối cả chuyện chi phí của VFF. Các cháu cầu thủ còn phải đi học và thi đấu nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học văn hoá. Nhưng tăng số trận đấu là xu thế tất yếu, chúng ta sẽ tìm ra nhiều cầu thủ trẻ.
- Báo chí Thái Lan đang lo lắng về việc bóng đá trẻ Việt Nam vươn lên mạnh mẽ và vượt qua Thái Lan, ông nghĩ gì về điều này?
- Thành tích của bóng đá Thái Lan không như mong đợi trong khi bóng đá trẻ Việt Nam đều có thành tích. Chúng ta làm được điều trước đây ít khi làm được là đánh bại các đội tuyển trẻ Thái Lan. Nhưng thực sự nền tảng bóng đá trẻ Thái Lan rất tốt, rất mạnh. Nếu chúng ta chủ quan thì việc Thái Lan vượt qua Việt Nam vẫn xảy ra. Phát triển bóng đá trẻ là nhiệm vụ của VFF.
Bình luận