Chiều nay (21/7), ông Hồ Tiến Thiệu - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Lạng Sơn trả lời PV xung quanh kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương. Nhận định của ông Thiệu, quy trình thi hết sức chặt chẽ, vấn đề xảy ra là ở con người.
- Lãnh đạo tỉnh có những động thái ra sao khi dư luận cho rằng Lạng Sơn có dấu hiệu bất thường về kết quả thi THPT quốc gia?
Thực chất, ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm nay, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình thi để xem có vấn đề gì không đúng hoặc thiếu chặt chẽ để khắc phục kịp thời.
Đang triển khai việc đó thì mạng xã hội và một số báo chí đưa thông tin về việc điểm số của 35 thí sinh dự thi THPT quốc gia của Lạng Sơn có bất thường. Chúng tôi chỉ đạo trước hết kiểm tra rà soát quá trình thi, chấm thi của 35 thí sinh nói trên.
Việc triển khai diễn ra được thời gian ngắn thì Bộ GD&ĐT quyết định cử tổ công tác để kiểm tra xác minh. Chúng tôi dừng việc đó để tổ công tác của Bộ thực hiện nhiệm vụ. Hiện đoàn công tác đang tiếp tục làm việc rà soát, xác minh việc này.
Kết quả của Tổ công tác Bộ GD&ĐT sẽ phản ánh quá trình tổ chức thi, chấm thi ở Lạng Sơn như thế nào, có gì bất thường hay không.
Về phía lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm đến việc này để tiếp tục chỉ đạo, quản lý về công tác thi. Vì đây là cả một quy trình dài, nhiều công đoạn hết sức phức tạp nên phải tăng cường kiểm soát, quản lý để làm sao có kết quả thi thật trung thực, khách quan, phản ánh đúng năng lực các em.
Trong những năm sau, nếu tiếp tục triển khai thi theo hình thức như thế này, chúng tôi phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hơn nữa, tránh việc không bình thường xảy ra.
- Nếu thực sự có sai phạm, tỉnh có phương án xử lý như thế nào, thưa ông?
Như tôi nói ở trên, hiện chúng tôi đang chờ kết luận của Bộ GD&ĐT. Khi có kết luận, tùy tình hình, nếu có sai phạm chúng tôi sẽ phải xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật. Cá nhân, tổ chúc liên quan phải chịu trách nhiệm.
Nếu không có sai phạm thì đây cũng là cảnh tỉnh để chúng tôi tiếp tục quan tâm hơn trong chỉ đạo.
Trường hợp điểm thi có thay đổi, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin, nói rõ việc đó do đâu để bà con biết. Với em có thay đổi điểm, cần điều chỉnh lại chứng nhận điểm để các em kịp thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký vào các trường ĐH, CĐ.
- Khi kỳ thi THPT quốc gia được giao về cho địa phương, trong quá trình chỉ đạo thi, để kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, ông gặp những khó khăn gì hay không?
Quá trình tổ chức thi THPT quốc gia ở Lạng Sơn, 2 năm trở lại đây chúng tôi thấy khá thuận lợi, chưa thấy có khó khăn nổi lên. Thí sinh không phải di chuyển đi xa, thuận lợi cho các em và gia đình. Chúng tôi cũng có sự chuẩn bị kĩ, cộng với sự tham gia của toàn xã hội, giúp thí sinh và kì thi hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Nhưng năm nay, có vấn đề xảy ra ở tỉnh này, tỉnh kia, đặt vấn đề cần kiểm soát chặt chẽ tổ chức thi, chấm thi để phản ánh đúng kết quả, trung thực.
- Từ thực tế địa phương, theo ông cần thay đổi như thế nào để kì thi THPT quốc gia diễn ra an toàn, nghiêm túc hơn nữa?
Tôi chưa suy nghĩ ra phương pháp gì hơn và thấy quy trình của Bộ GD&ĐT rất chặt chẽ. Nhưng mọi vấn đề đều là ở con người, nếu con người động cơ không trong sáng thì rất khó, còn quy trình là hết sức chặt chẽ.
Thậm chí năm nay còn chặt chẽ hơn năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã quán triệt từ đầu hết sức quyết liệt. Việc xảy ra là cảnh tỉnh để tổ chức chỉ đạo tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận