• Zalo

Phó Chủ tịch UBND Quảng Bình: 'Cá biển đánh bắt ở khu vực này đã ăn được chưa?'

Thời sựThứ Hai, 22/08/2016 19:50:00 +07:00Google News

Sau khi kết luận chất lượng môi trường biển từ Hà Tĩnh – Thừa Thiên - Huế được công bố, một số đại biểu vẫn băn khoăn xoay quanh kết luận này.

Như VTC News đưa tin, sáng 22/8 Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh – Thừa Thiên – Huế.

Chia sẻ tại hôi nghị, ông Lê Minh Ngân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình băn khoăn: “Theo kết luận, tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Trà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên. Như vậy, cá biển người dân đánh bắt ở trong khu vực này đã ăn được chưa?".

Ông Ngân cho hay: "Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi này rất nhiều lần và đến thời điểm này vẫn chưa trả lời được".

pho chu tich quang binh

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân băn khoăn, cá nằm trong khu vực cách bờ 1,5 km đã ăn được chưa?

Ông Ngân đề nghị các bộ ngành cần có giải pháp lâu dài vì chỉ tiêu độc tố môi trường biển còn cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp kiên quyết quản lý Formosa trong quá trình hoạt động sắp tới, không để xảy ra sự cố tương tự.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ: “Tôi mong rằng các bộ, ban, ngành sớm nghiêm cứu diễn biến tiếp theo cho tương lai gần và xa hơn nữa.

Cần thông báo cho mọi người biết cơ chế môi trường biển tự phục hồi, hòa tan đi về đâu. Phenol Xianua theo tiêu chuẩn Việt Nam chưa, nằm trong giới hạn cho phép vậy giới hạn này là giới hạn nào? Mong rằng có kết quả cụ thể báo cáo cho từng địa phương” .

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Hợp - Đại học Huế cho rằng, trong kết luận cho biết độc tố trong thủy hải sản giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, ông Hợp đề nghị làm rõ việc độc tố giảm nhưng đến mức nào.

“Kết luận chung chung quá, có vẻ như Bộ Y tế quá thận trọng. Hàm lượng các chất trong thủy hải sản đang giảm theo thời gian là khó hiểu quá, chất gì thì phải nêu cho rõ...”, PGS.TS Nguyễn Văn Hợp nói.

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tỏ và khá vui mừng và mong muốn sẽ công bố rộng rãi kết luận nêu trên trong dân chúng.

“Kết quả công bố hôm nay khả quan, tôi rất mừng. Hy vọng trong thời gian ngắn môi trường biển sẽ trở lại như trước. Về phía Hà Tĩnh, tôi sẽ đề nghị công bố rộng rãi cho nhân dân. Có thể tôi sẽ mời tổ chuyên gia, hội đồng về báo cáo cho nhân dân Hà Tĩnh biết và đề nghị các cơ quan thông tấn công bố thông tin chính thống cho nhân dân".

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị các cơ quan chức năng có những giải pháp để Formosa làm đúng yêu cầu, đúng quy trình xả thải. Phải đảm bảo được rằng việc xả thải của Formosa tuyệt đối an toàn.

"Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm soát nhưng về công nghệ và con người chưa đáp ứng nên mong rằng các cơ quan chức năng can thiệp”, ông Đặng Quốc Khánh bày tỏ.

a2

 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánhcho rằng kết quả đánh giá chất lượng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là khả quan và tỏ ra khá vui mừng

Với những ý kiến trái chiều được nêu ra trong hội nghị, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá: “Tuy những vấn đề báo cáo nghiên cứu chưa thể đạt đến sự trọn vẹn và đáp ứng câu hỏi của đồng bào miền Trung rằng biển của chúng ta đã an toàn chưa?

Tuy nhiên, thông qua báo cáo này cho thấy tín hiệu đáng mừng, cho thấy diễn biến chất lượng nước biển, diễn biến liên quan phục hồi sinh thái. Điều đáng mừng là phát hiện ra quy luật khả năng tự làm sạch của môi trường biển. Những chất là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết sẽ tự bị đào thải do khả năng tự làm sạch của môi trường tự nhiên".

a5

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

Trả lời VTC News, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết: “Để có kết luận này các cơ quan nghiên cứu đã dựa vào hệ thống phương pháp rất khoa học trên cơ sở đánh giá các đặc trưng về điều kiện tự nhiên.

Đồng thời, kết quả phân tích phân bố không gian và thời gian đều rất phù hợp với quy luật chung. Nên thông báo với xã hội kết quả nói trên phù hợp với thực tế hiện có của chúng ta và mọi người hãy yên tâm tắm biển và chơi thể thao dưới nước”.

Video: 5 cam kết của Formosa Hà Tĩnh sau sự cố cá chết ở miền Trung

Trần Anh – Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn