Thông tin tại buổi họp báo về chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại TP.HCM vào trưa 21/6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hiện TP.HCM đã tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine để đàm phán.
"Tuy nhiên có những thông tin hiện nay không nói được do có sự ràng buộc theo hợp đồng với các nhà sản xuất. TP.HCM đang tiếp xúc các nguồn với mục tiêu hướng tới 5-10 triệu liều trong năm nay", ông Đức nói.
Theo ông Đức, dự kiến từ đây đến cuối năm Việt Nam sẽ nhận hơn 100.000 liều vaccine COVID-19. TP.HCM chiếm 10% dân số cả nước, nếu tính lượng vaccine thành phố được phân bổ đúng bằng tỉ lệ dân số thì từ đây đến cuối năm thành phố nhận khoảng 10 triệu liều.
Hiện 75% dân số TP.HCM ở độ tuổi 18 - 65 nên số lượng người dân được tiêm sẽ ít hơn. Nguyên nhân do một số loại vaccine yêu cầu về độ tuổi, như Astra Zeneca yêu cầu từ 18 tuổi trở lên, Pfizer từ 12 tuổi trở lên.
Ngoài ra, TP.HCM cũng chủ động đàm phán mua vaccine COVID-19. Khi thực hiện chủ trương này, thành phố sẽ tham mưu từ các chuyên gia, thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và các nhà cung cấp. Hiện các hãng đều làm việc với Chính phủ và cả chính quyền địa phương.
"TP.HCM đã tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất chứ không qua trung gian. Một số thông tin chưa thể chia sẻ ngay thời điểm này vì đó là điều kiện ràng buộc khi thương thảo hợp đồng. Chỉ khi ký kết hợp đồng, những điều khoản nào được hợp đồng cho phép thì TP.HCM mới công bố", ông Đức thông tin thêm.
Về kinh phí mua vaccine, ông Đức cho biết, thành phố sẽ sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa để tiếp cận nhanh nhất nguồn vaccine và tổ chức tiêm chủng cho người dân, bởi nếu sử dụng ngân sách thì phải thực hiện theo thủ tục đầu tư công tốn nhiều thời gian hơn.
Cũng theo ông Đức, đợt này TP.HCM dành phần lớn lượng vaccine để tiêm cho các công nhân, người làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung với mục tiêu duy trì sản xuất, thực hiện mục tiêu kép của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định tất cả người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu công nghệ phần mềm sẽ được tiêm vaccine chứ không có sự phân biệt, chọn lọc giữa các doanh nghiệp.
Trong kế hoạch tiêm chủng vaccine lần này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng, như: Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.
Bình luận