Do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên toàn tỉnh có mưa, mưa vừa, mưa to đến mưa rất to, có nơi đặc biệt to. Lượng mưa đo được tại các trạm thủy văn từ 7h ngày 15/10 đến 17h ngày 21/10 tại TP Hà Tĩnh 1.383,6 mm; Thạch Đồng 1.221,5 mm; Kỳ Anh 870 mm; Hoành Sơn 799,6 mm; Hồ Kẻ Gỗ 1.260 mm; Sông Rác 1.107 mm.
Ngoài ra, lượng mưa đo được tại trạm đo mưa tự động xã Kỳ Thượng từ 19h ngày 15/10 đến 19h ngày 20/10 là 1.956 mm và lượng mưa ngày đo được từ 19h ngày 18/10 đến 19h ngày 19/10 là 809 mm.
Mưa lớn cực đoan đã gây ngập lụt nhiều địa phương, đặc biệt là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh. Thời điểm cao nhất (ngày 20/10) có 118 xã, phường, thị trấn (42.456 hộ/151.288 người) của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Toàn tỉnh đã tổ chức sơ tán được 18.771 hộ/59.268 người.
Mưa lũ đã khiến 6 người tử vong và có 42.456 hộ/151.288 người bị ảnh hưởng. Tài sản của Nhân dân tại các xã bị ngập sâu, thiệt hại rất lớn.
Cùng với đó, có 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại; 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng; nhiều hóa chất, thuốc men, trang thiết bị bị thiệt hại, đặc biệt tại BVĐK huyện Cẩm Xuyên.
Một số công trình giao thông bị hư hỏng nặng như cầu Trốc Vạc Hương Sơn; cầu Kỳ Thượng và cầu Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh); cầu Hương Bình (huyện Hương khê); mặt đường Nguyễn Huy Lung TP Hà Tĩnh và một số tuyến tỉnh lộ, huyện lộ bị hư hỏng nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng lũ bị ngập và hư hỏng thiết bị, máy móc vật tư, phương tiện, thiệt hại hết sức nặng nề.
Kết cấu hạ tầng các tuyến đường giao thông, điện, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, hệ thống công trình hồ đập thủy lợi... bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều tuyến giao thông bị cắt đứt, hiện tại chưa thể thống kê chính thức được.
Tại cuộc họp, các đơn vị cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi liên quan tới quy trình vận hành hồ Kẻ Gỗ, việc thông báo tình hình mưa lũ cho người dân, mức độ dự báo trước khi lũ lụt ra sao, việc di dời dân, công tác phân bố hàng cứu trợ.
Trả lời câu hỏi về quy trình vận hành, xả lũ của hồ Kẻ Gỗ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức cho hay: Tổng lượng mưa tại hồ từ 7h ngày 15/10 đến 7h ngày 21/10 là 1.249 mm; tổng lượng nước đến 280 triệu m3; lưu lượng nước đến hồ lớn nhất 2.539 m3/s (đạt lúc 4h ngày 19/10/2020).
Diễn biến mực nước hồ Kẻ Gỗ, lúc 7h ngày 15/10 là +25,80m, thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,7m (ngưỡng tràn xả lũ hồ Kẻ Gỗ là 26,5m); lúc 6h ngày 17/10 là +26,62m, cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,12m; lúc 6h ngày 18/10 là +29,13m, cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 2,63m (trong vòng 24 giờ mực nước hồ tăng lên 2,51m).
Mực nước hồ tại thời điểm mở tràn 13h ngày 18/10 là +30,70m, tương đương dung tích hồ 293,2 triệu m3; mực nước tại thời điểm cao nhất (lúc 11h30 ngày 19/10) trong quá trình xả lũ +33,80m, tương đương dung tích hồ là 384 triệu m3.
Hồ xả lũ bắt đầu từ 13h ngày 18/10 với lưu lượng tăng dần từ 50 m3/s lên 200 m3/s và lưu lượng xả lớn nhất 1.060 m3/s (bằng 41,7% lưu lượng đỉnh lũ là 2.539 m3/s) và mức xả này chỉ duy trì trong thời gian 1 giờ (từ 9h đến 10h ngày 19/10) sau đó giảm dần.
Như vậy, trong quá trình điều tiết vừa qua, hồ Kẻ Gỗ đã tham gia chậm lũ cho hạ du với dung tích khoảng 200 triệu m3. Hiện tại, bắt đầu từ lúc 21h ngày 23/10/25020 hồ xả với lưu lượng 150 m3/s không ảnh hưởng đến hạ lưu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thay mặt lãnh đạo tỉnh chia sẻ sâu sắc với những mất mát, thiệt hại nặng nề của Nhân dân vùng lũ, nhất là các gia đình có người bị nạn.
Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, hội, đoàn thể Trung ương. Nhân dân cả nước đã quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ cho Hà Tĩnh cả về tinh thần và vật chất trong lúc hoạn nạn, khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi lời cảm ơn các bộ, ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã trực tiếp chỉ đạo và chi viện lực lượng giúp đỡ tỉnh đối phó với lũ, lụt; các cơ quan báo chí đã không quản ngày đêm, khó khăn, hiểm nguy bám trụ vùng lũ để đưa tin kịp thời và nhất là Bộ NN&PTNT đã giúp tỉnh trong điều tiết hồ chứa Kẻ Gỗ, bảo đảm an toàn đập và giảm ngập lụt cho vùng hạ du.
“Việc vận hành xả tràn điều tiết lũ hồ Kẻ Gỗ là hoàn toàn chủ động, đúng với thực tế, công khai minh bạch đã góp phần giảm 200 triệu m3 nước cho vùng hạ du” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định.
Bình luận