Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo, các cơ quan Trung ương đã xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Điều khiến dư luận quan tâm trong vụ việc trên là việc ông Thanh sau khi lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, đã liên tiếp được luân chuyển, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.
Trong vòng 3 năm sau khi rời Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm, luân chuyển qua nhiều chức vụ quan trọng ở Bộ Công Thương.
Cụ thể, sau khi rời PVC, năm 2013, ông Thanh được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, rồi Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ. Đến tháng 5/2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Luân chuyển phải nằm trong quy hoạch
Theo ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
“Cán bộ luân chuyển phải nằm trong quy hoạch và phải được Ban Bí thư thông qua. Đối với việc luân chuyển của ông Thanh không thuộc trường hợp này”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, việc luân chuyển của ông Trịnh Xuân Thanh là do tỉnh Hậu Giang đề xuất với Bộ Công Thương. “Cái này do thỏa thuận giữa Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang”, ông Hải cho biết.
Một cựu cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương cho biết, sau khi Tổng Bí thư có chỉ đạo thì các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ xem việc bổ nhiệm, luân chuyển của ông Trịnh Xuân Thanh có đúng quy trình không.
“Việc Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư thì chắc chắn sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc”, vị cán bộ trên nói.
Quốc hội sẽ vào cuộc sau khi có kết luận
Không chỉ được luân chuyển về Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, tại cuộc bầu cử QH khoá XIV vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh còn trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội. Điều này đặt ra câu hỏi về quy trình giới thiệu, hiệp thương để ông Trịnh Xuân Thanh ứng cử đại biểu Quốc hội.
Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cần phải xem lại tư cách đại biểu của ông Trịnh Xuân Thanh. Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu của QH cần làm việc, đối chiếu với những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một đại biểu.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh thì phải chờ xác minh, kết luận từ phía các cơ quan của Đảng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Căn cứ vào đó, nếu có vấn đề thì Quốc hội sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ban Công tác đại biểu cũng khẳng định, trước khi bầu cử diễn ra không có bất cứ khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 16/6, kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ chính thức khai mạc. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo của tỉnh như chủ tịch, các phó chủ tịch tỉnh...
Video: CSGT Hà Nội truy đuổi xe biển xanh
Bình luận