Cuốn sách Thời cuộc và Văn hoá bao gồm 500 trang, tập hợp 54 bài báo theo chủ đề, được nhà báo Hồ Quang Lợi viết trong hơn 20 năm làm nghề.
Cuốn sách được chia thành 5 phần: Trong lốc xoáy thế sự, Văn hóa giữ nước, Phẩm cách những con người, Lõi vàng văn hóa Việt Nam, Văn hóa và báo chí.
Thời cuộc và Văn hóa đề cập đến thời cuộc với những vấn đề thời sự nóng bỏng, chấn động đời sống nhân loại như: Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Cuộc chiến Kosovo, Cú đánh 11/9/2001 và cách thức chống khủng bố, Các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, nhân quyền, kỷ nguyên số với nỗi ám ảnh mạng xã hội “siêu quyền lực” và không thể kiểm soát...
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến những vấn đề mang tính văn hoá của thế giới, Việt Nam với những con người Việt Nam.
Trong cuốn sách Thời cuộc và Văn hóa, nhà báo Hồ Quang Lợi kết hợp hai nội dung liên quan đến chính trị và văn hoá một cách nhuần nhuyễn, sâu sắc và hấp dẫn.
Tại buổi ra mắt cuốn sách Thời cuộc và Văn hóa, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: Văn hóa là gốc của đời sống con người. Mọi sự kiện trong đời sống chính trị của thế giới có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa.
Những năm tháng miệt mài công tác giúp nhà báo Hồ Quang Lợi am hiểu về văn hóa Việt Nam, từ đó soi chiếu ra thế giới. Ông khẳng định, văn hóa mang tính nhân loại nhưng cũng mang tính dân tộc.
TS Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội là một trong những người đầu tiên đọc cuốn sách Thời cuộc và Văn hóa của nhà báo Hồ Quang Lợi. Ông viết trong lời tựa của cuốn sách: “Những biến cố mang tính lịch sử và thời đại được đề cập trong các bài báo của Hồ Quang Lợi luôn được đối chiếu, soi rọi không chỉ với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá khứ, mà còn bao quát hiện tại và dự báo cho tương lai.
Cái nhìn chính sự, thời cuộc và thế giới của Hồ Quang Lợi luôn đạt tới sự thống nhất một cách khoa học, biện chứng giữa lý trí, tư duy chính trị và tính nhân văn, văn hóa bắt nguồn từ tài năng và cái tâm của người cầm bút. Ai đó nói, nhà văn, nhà báo là những thư ký của thời đại, Hồ Quang Lợi là một thư ký chuyên cần và xuất sắc”.
TS Phạm Quang Nghị còn viết thêm: "Rất nhiều bài viết của anh bây giờ đọc lại, tôi cảm nhận đó là sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng".
Nhận xét về góc độ văn hóa của cuốn sách “Thời cuộc và văn hóa”, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nói: “Đọc các trang viết của tác giả Hồ Quang Lợi, những sự kiện chính trị được xâu chuỗi một cách có logic và ánh lên là việc đề cao các yếu tố văn hóa. Tác giả làm sáng rõ vấn đề văn hoá có vị trí, ý nghĩa thế nào trong 'ván cờ' thời cuộc”.
Ông Nhạc chia sẻ rằng ông cũng là một người có điểm chung với nhà báo Hồ Quang Lợi ở việc cân bằng giữa công việc quản lý và tâm hồn, cảm xúc của một người cầm bút.
Bình luận