• Zalo

Phó Chủ tịch Quốc hội: Nên tạo văn hóa từ chức

Thời sựThứ Sáu, 14/09/2012 02:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - "Nhân dân và cử tri rất mong Việt Nam có những trường hợp tự nguyện từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

(VTC News) -  "Nhân dân và cử tri rất mong Việt Nam có những trường hợp tự nguyện từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Đào Trọng Thi. 
Đưa ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào sáng nay (14/9), Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Đào Trọng Thi cho rằng, cần lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả mọi người, nhưng cần phân cấp.

Theo ông Thi, cả Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực các Uỷ ban...  cũng cần lấy phiếu tín nhiệm nhưng làm ở cấp Uỷ ban vì những người đó cũng cần phải đánh giá tín nhiệm.

“Ví dụ, ông nào không đi họp, cả nhiệm kỳ đi 2-3 buổi thì không nên làm công việc được giao nữa” – ông Thi nói.

Ông Thi cũng đề nghị, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải công khai, ít nhất trong khuôn khổ Quốc hội, phải báo cáo ĐBQH kết quả này. Kết quả lấy phiếu ở các Ủy ban thì công khai trong Uỷ ban, kết quả trong TVQH thì công khai trong TVQH…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh: TTXVN) 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng tán thành với việc phân cấp trong lấy phiếu tín nhiệm, theo đó, từ Chủ nhiệm đến Chủ tịch Hội đồng dân tộc thì lấy phiếu tín nhiệm cấp Quốc hội, còn các cấp khác thì ở Ủy ban – “vì đây là lấy phiếu tín nhiệm chứ không phải là bỏ phiếu tín nhiệm”.

Thảo luận về thời gian lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng ủng hộ việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, theo đó, trong 2 năm liên tục không đủ tín nhiệm mới tiến hành bỏ phiếu – như vậy là phù hợp với chủ trương đánh giá cán bộ được thận trọng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng cho rằng, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm cần thực hiện hàng năm. “Chúng ta tập cho quen dần và xem đây là việc thường xuyên, khó khăn vài năm đầu sau đó sẽ bình thường. Nếu không, mãi mãi chúng ta không làm được”.

Bà Ngân cũng thống nhất việc xác định kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần công bố, kết quả bình thường, lấy ý kiến công khai thì cần công bố công khai.

 

"Nhân dân và cử tri rất mong Việt Nam có những trường hợp tự nguyện từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất: “Nếu sau 2 năm đối tượng có số phiếu thấp thì khuyến khích nên tự nguyện từ chức thì không phải bỏ phiếu nữa, không phải cách chức nữa!”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình: “Nên quy định thêm quy chế từ chức, tạo nên văn hóa từ nhiệm, từ chức. Nhân dân và cử tri rất mong Việt Nam có những trường hợp như thế khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

"Theo Nghị quyết TƯ 4 thì nên xem xét bỏ phiếu cho thôi chức nếu 2 lần không đủ tín nhiệm chứ không phải cho thôi chức ngay. Việc xem xét phải có quá trình, để cho người ta lí giải, giải trình thì mới đi đến việc bỏ phiếu tín nhiệm” – về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Khoa nói.

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn