Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày sáng 9/5 cho biết từ sau kỳ họp thứ 6, đã có gần 2.000 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội.
Ngoài những tồn tại suốt nhiều kỳ họp như bức xúc về tai nạn giao thông, tín dụng đen, tội phạm ma túy, hay tình trạng chạy chức chạy quyền… lần này, nhiều bất cập trong lĩnh vực văn hóa, xã hội được đề cập.
'Riêng quý I để nhảy múa hát ca'
Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, việc tổ chức các lễ hội truyền thống có nhiều tiến bộ, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, thực trạng giá các dịch vụ vẫn chưa được kiểm soát.
Ông cũng nêu thực tế về việc lợi dụng, thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” gây bức xúc trong nhân dân.
Điển hình là vụ việc chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh lợi dụng niềm tin của người dân thực hiện hoạt động “thỉnh vong oan gia trái chủ”, nhằm mục đích thu lợi cá nhân.
Từ thực tế ấy, ông Mẫn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động này.
Góp ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển Phùng Quốc Hiển đánh giá việc tổ chức lễ hội có nhiều tiến bộ, nhưng thực tế tổ chức lễ hội hay cưới xin, ma chay còn rề rà.
Theo ông Hiển, tổ chức ma chay ở nông thôn còn phức tạp, kéo dài. Trong hoạt động văn hóa lễ hội, có trường hợp cấp thôn, xã cố tìm ra một người nào đó để tôn vinh. Rồi lễ hội ở huyện cũng ngày một to làm lãng phí tiền của của dân, của xã hội.
“Như vậy là vẫn còn tình trạng 'tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai lễ hội, tháng ba hội hè'. Riêng cả quý I đã dành để nhảy múa hát ca rồi”, ông Hiển nói.
Clip phản cảm, bạo lực phát tán tràn lan trên mạng xã hội
Cũng trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội, Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn phản ánh việc quản lý các trang mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các clip, hình ảnh tuyên truyền lối sống, hành vi phản cảm, bạo lực trên mạng xã hội.
Theo ông Mẫn, việc này đã làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức thanh thiếu niên và trật tự an toàn xã hội.
Dẫn chứng điển hình là một số vụ việc như vụ Khá Bảnh, Phúc XO... phát tán nhiều clip và hình ảnh có tính chất “giang hồ” trên mạng xã hội với mục đích “đánh bóng tên tuổi”, nhằm “trục lợi” ảnh hưởng xấu tới đạo đức thế hệ trẻ và trật tự an toàn xã hội.
Trước thực tế đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Bình luận