• Zalo

Phó Chủ tịch Bắc Giang kể thời khắc khó khăn nhất khi chống dịch COVID-19

Đời sốngChủ Nhật, 30/01/2022 07:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kể thời khắc khó khăn nhất khi phải đóng cửa các khu công nghiệp chống dịch khiến giá trị sản xuất công nghiệp giảm gần 1.000 tỷ đồng/ngày.

Tháng 5/2021, từ những ca bệnh đầu tiên ở khu công nghiệp, Bắc Giang trở thành một trong những tâm dịch COVID-19 lớn nhất cả nước. Đóng cửa các khu công nghiệp khiến Bắc Giang giảm giá trị sản xuất công nghiệp gần 1.000 tỷ đồng/ngày, cùng với đó, việc "giữ chân" 67.000 công nhân ở lại địa phương là quyết định khó khăn của lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Bắc Giang đã khống chế được dịch, khôi phục sản xuất.

Là người trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng chống dịch, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ với VTC News về những bài học kinh nghiệm qua các phương án chống dịch của địa phương.

Phó Chủ tịch Bắc Giang kể thời khắc khó khăn nhất khi chống dịch COVID-19 - 1

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

- Từng là tâm dịch lớn nhất nước với gần 6.000 ca, tỉnh Bắc Giang đã có những biện pháp nào để khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19 trong thời gian ngắn nhất, thưa ông?

Thời điểm bấy giờ, dịch bùng phát rất nhanh. Để khống chế dịch nhanh nhất, buộc chúng tôi phải áp dụng các biện pháp như khoanh vùng, thần tốc truy vết triệt để, cách ly, xét nghiệm diện rộng, phát hiện F0 sớm nhất có thể.

Những khu vực có dịch, chúng tôi áp dụng nghiêm việc “ai ở đâu, ở yên đó”; giữ trên 67.000 công nhân lao động của các tỉnh bạn ở các khu nhà trọ, thực hiện xét nghiệm nhiều lần, nếu âm tính, an toàn thì bàn giao về các địa phương để dịch không lây cho tỉnh khác.

Chúng tôi thành lập gần 11.000 tổ COVID cộng đồng, tổ an toàn COVID, tổ hỗ trợ hậu cần, tổ kiểm tra, giám sát các khu cách ly tập trung đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo và thành lập các tổ kiểm tra an toàn sản xuất để đảm bảo sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới cho sản xuất.

Chúng tôi thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; xây dựng phương án, kế hoạch, mục tiêu phòng chống dịch cụ thể; tăng cường tuyên truyền, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch.

Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên đánh giá tình hình dịch để thu hẹp dần các khu cách ly, phong tỏa. Khu nào an toàn thì phải tranh thủ đẩy mạnh sản xuất để bù đắp lại thời gian đóng cửa, dừng sản xuất do dịch.

Phó Chủ tịch Bắc Giang kể thời khắc khó khăn nhất khi chống dịch COVID-19 - 2

Với những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Bắc Giang đã khống chế được dịch, khôi phục sản xuất.

-Bắc Giang vượt qua tâm dịch giai đoạn tháng 5/2021 bằng việc kiên định phương án chống dịch phù hợp, khoa học mang tên “Tháp 3 tầng”. Mô hình được Bộ Y tế đánh giá “chỉ có ở Bắc Giang” phải không, thưa ông?

Trước áp lực số lượng F0 tăng nhanh chóng, nếu tập trung hết F0 về bệnh viện tuyến tỉnh như ban đầu thì sẽ quá tải. Sau khi đánh giá mức độ nặng nhẹ, khả năng điều trị…, chúng tôi quyết định phân bệnh nhân thành 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng.

Đối với bệnh nhân nhẹ, chúng tôi thành lập các cơ sở thu dung và điều trị tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Bệnh nhân ở mức độ vừa điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 2 (Nhà thi đấu Thể thao tỉnh, Bệnh viện Quân y 110 - cơ sở 2).

Bệnh nhân nặng được điều trị tại một số bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Bệnh viện dã chiến số 1), Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần. Sau này, tại một số địa phương có số F0 tăng mạnh, chúng tôi phát triển thêm 2 tầng nữa là tầng điều trị tại nhà, tầng điều trị tại cơ sở y tế tuyến xã.

- Trong quá trình chống dịch COVID-19, quyết sách nào khiến lãnh đạo tỉnh cảm thấy khó khăn nhất?

Quyết định đóng cửa 4 khu công nghiệp với 360 doanh nghiệp  khiến tất cả anh em có mặt tại đó đều lặng đi, có người ứa nước mắt.

Ông Mai Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

Quyết định khó khăn nhất mà chúng tôi phải đưa ra là vào 23h30 đêm 17/5/2021: Đóng cửa 4 khu công nghiệp với 360 doanh nghiệp kể từ 0h00 ngày 18/5/2021. Tất cả anh em có mặt tại đó đều lặng đi, có người ứa nước mắt.

Quyết định này sẽ làm ảnh hưởng đến trên 360 doanh nghiệp và 150.000 lao động, trong khi đó, các doanh nghiệp đều nằm trong chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu, liên quan đến nhiều tập đoàn kinh tế lớn tầm thế giới như Samsung, Appo, Cannon…

Mỗi ngày đóng cửa, các doanh nghiệp sẽ giảm giá trị sản xuất công nghiệp gần 1.000 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra còn nhiều thiệt hại khác không thể thống kê được. Do đó, việc quyết định đóng cửa 4 khu công nghiệp chính là việc mà chúng tôi căng thẳng và áp lực nhất.

- Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tính toán thế nào để đưa ra quyết định khó khăn lúc đó, thưa ông?

Dịch bùng phát tại một doanh nghiệp trong KCN, sau đó bắt đầu lan sang các doanh nghiệp khác. Vì tốc độ lây lan của biến chủng Delta rất mạnh, tỷ lệ tiêm vaccine lúc bấy giờ là bằng không, hệ thống y tế của Bắc Giang còn khiêm tốn, nhân lực y tế thiếu…, nếu không đóng cửa kịp thời các KCN thì tình hình dịch bệnh sẽ xấu đi rất nhiều.

Hơn nữa, nếu công nhân, người lao động bị nhiễm bệnh thì doanh nghiệp cũng không thể hoạt động được. Sức khỏe, tính mạng của Nhân dân phải được đặt lên hàng đầu.

Phó Chủ tịch Bắc Giang kể thời khắc khó khăn nhất khi chống dịch COVID-19 - 3

 Bắc Giang tầm soát COVID-19 cho toàn bộ lao động trên địa bàn tỉnh.

Việc đóng cửa các KCN phải được triển khai bài bản, đồng bộ, không được để các  doanh nghiệp và người lao động hoang mang, lo sợ, tuyệt đối không được để xảy ra một cuộc hỗn loạn, tháo chạy của người lao động, gây khó kiểm soát, làm thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chúng tôi đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động, phong tỏa kịp thời tất cả doanh nghiệp, các khu nhà trọ công nhân; đồng thời cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để công nhân và Nhân dân các khu vực phong tỏa yên tâm.

Trong thời gian phong tỏa cứng 1 tuần, Bắc Giang xét nghiệm sàng lọc ít nhất 2 lần cho toàn bộ những người trong khu vực phong tỏa nhằm kịp thời tách F0 ra, sau đó phân loại mức độ nguy cơ để làm sạch doanh nghiệp, làm sạch khu trọ, sớm đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất.

- Thời điểm tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, lãnh đạo Bắc Giang cam kết sau 2 tuần sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên quay lại hoạt động?

Chúng tôi nhận thấy những tín hiệu tích cực rõ ràng trong công cuộc chống dịch. Vì thế, chỉ sau 1 tuần, tỉnh đã ban hành kế hoạch khôi phục kinh tế, quyết định mở cửa hoạt động trở lại các KCN từ ngày 26/5/2021. Và, sau 10 ngày đóng cửa, đã có doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tất nhiên, chúng tôi không mở cửa ào ào mà thận trọng từng bước, có kiểm soát chặt chẽ, chắc chắn. Doanh nghiệp đạt được các tiêu chí quy định thì mới được hoạt động trở lại. Doanh nghiệp nào chưa đủ điều kiện thì phải khắc phục ngay, nếu chưa đảm bảo thì nhất định không cho sản xuất.

Bắc Giang thực hiện rất nhiều phương châm: “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, “3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất tại doanh nghiệp”, trường hợp ở khu trọ thì “Nhà trọ an toàn”, trường hợp đi/về hằng ngày bằng xe của công ty thì thực hiện “Một cung đường, 2 điểm đến”…

- Quyết định giữ toàn bộ 67.000 công nhân ở lại là chấp nhận áp lực rất lớn lên toàn hệ thống chính trị và Nhân dân Bắc Giang?

Phó Chủ tịch Bắc Giang kể thời khắc khó khăn nhất khi chống dịch COVID-19 - 4

cach-phong-dich-cua-tinh-tung-la-o-dich-lon-nhat-nuoc.jpg

Làm thế nào để dịch không lây lan rộng, nhất là không để dịch lây sang các tỉnh bạn, vì nếu để lây sang các tỉnh bạn thì sẽ rất mang tiếng cho Bắc Giang.

Ông Mai Sơn

Đúng, chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực. Đó là: Làm thế nào để đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt cho 67.000 người;  Làm thế nào để kiểm soát không để dịch lây chéo trong một môi trường có mật độ người đông như thế; Làm thế nào để kiểm soát được tình hình an ninh trật tự, tránh việc kiểm soát chặt ngoài, lỏng trong; Làm thế nào để dịch không lây lan rộng, nhất là không để dịch lây sang các tỉnh bạn, vì nếu để lây sang các tỉnh bạn thì sẽ rất mang tiếng cho Bắc Giang. 

Và, nếu giữ công nhân lại, để họ bị lây chéo, hoặc đói khát không được quan tâm thì càng có lỗi. Do đó, áp lực đối với chúng tôi rất lớn.

- Cao điểm của dịch COVID-19 cũng là mùa thu hoạch vải thiều. Bắc Giang vừa chống dịch, vừa thu hoạch, tiêu thụ vải thiều thế nào, thưa ông?

Bây giờ nhắc đến vụ vải thiều tôi vẫn rất vui. Bắc Giang là vùng trồng vải thiều lớn nhất nước. Năm 2021, diện tích vải thiều của Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn. Mùa thu hoạch vải năm nay đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương, nên ban đầu người dân vùng trồng vải rất lo lắng.

Chúng tôi họp các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với những kịch bản được dự báo trước và chủ động, linh hoạt trong điều hành. Bắc Giang gửi thông điệp tới các cơ quan báo chí truyền thông và người tiêu dùng, “nói không với giải cứu vải thiều”, mà cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải thiều Bắc Giang.

Bắc Giang chủ động khơi thông các thị trường đã có ở trong và ngoài nước, tổ chức thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều đến 29 điểm cầu trong nước và quốc tế; chủ động kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở luồng xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch COVID-19 khi có giấy xác nhận an toàn.

Được sự giúp đỡ của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, vải thiều Bắc Giang lần đầu tiên chính thức phân phối trên cả 7 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và quốc tế, và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” của Bộ Công Thương.

Phó Chủ tịch Bắc Giang kể thời khắc khó khăn nhất khi chống dịch COVID-19 - 5

Lực lượng công an, thanh niên tình nguyện giúp bà con nông dân huyện Lục Ngạn thu hoạch vải thiều trong mùa COVID-19.

Đối với thị trường nước ngoài, tỉnh sớm kết nối với các Tham tán thương mại của tất cả các nước trên thế giới; mở rộng một số thị trường như Nhật Bản, Úc, các nước khu vực Trung Đông, EU, Đông Nam Á…

Vượt qua khó khăn, thách thức của dịch COVID-19, Bắc Giang đã có một mùa vụ thắng lợi trên nhiều phương diện: thu hoạch hơn 215.000 tấn, tăng 35.000 tấn so với dự kiến ban đầu, doanh thu đạt hơn 6.800 tỷ đồng. Thành công trong vụ vải thiều năm nay cho thấy sự quyết tâm của tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất.

- Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm sau cuộc chiến chống “giặc COVID-19” lần thứ 4 tại Bắc Giang?

Có rất nhiều bài học.

Thứ nhất: Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Người dân phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Các cấp chính quyền phải luôn đề cao cảnh giác, tăng cường công tác tuyên truyền để Nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch.

Thứ hai: Luôn chủ động, chuẩn bị sẵn các phương án, kịch bản, 4 tại chỗ.

Đặc biệt, thứ ba là sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, đồng sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Chiến thắng đợt dịch vừa qua của Bắc Giang là chiến thắng của Nhân dân, vì vậy phải phát huy vai trò phòng chống dịch của Nhân dân.

- Cá nhân ông kỳ vọng gì vào năm 2022?

Tôi hy vọng năm 2022, Việt Nam và thế giới sẽ nghiên cứu ra loại thuốc có thể xóa bỏ được COVID-19, cuộc sống của Nhân dân được trở lại bình thường, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2021, năng suất lao động tăng 4,4%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.950 USD, tăng 3,7%, bằng 89,9% kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 11,2%, đứng thứ 4 cả nước. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,2%. Tổng thu NSNN ước đạt 15.745 tỷ đồng, tăng 26,9% so với năm 2020, vượt 56,1% dự toán.

Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Bắc Giang tăng 13 bậc so với năm 2019. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh (quy đổi) toàn tỉnh đạt 1,26 tỷ USD. 1.381 doanh nghiệp được thành lập. Riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang đứng thứ 10 cả nước.

Văn Chương (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn