Thảo luận tại tổ về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 1/6, bà Lê Thị Thuỷ đặt câu hỏi: Việc dự thảo luật mở ra như giao TTCP kiểm tra tài sản, thu nhập đến giám đốc sở liệu có làm nổi? Tại sao không quy định theo hướng Chính phủ làm trong phạm vi những người mà Thủ tướng bổ nhiệm, tương tự tại cấp tỉnh và huyện cũng như vậy?
Theo bà Thuỷ, việc thanh tra, kiểm tra tài sản là cực kỳ khó.
“Khi chúng tôi có quyết định 85 của Bộ Chính trị, các địa phương hỏi rất nhiều là bây giờ phải làm như thế nào?
Cái này rất nhạy cảm, nếu ta không cẩn thận, nhất là trong quá trình làm, để lộ các thông tin tài liệu thì có nhiều tác dụng ngược không lường được”, bà Thuỷ nói và đề nghị khi làm phải hết sức thận trọng.
Bà cho rằng, quy định TTCP “ôm” việc kiểm tra đến cả mức giám đốc sở là quá rộng, làm không được thì rất bất cập. Bà đề xuất cần thu hẹp lại và TTCP nên tập trung vào việc hướng dẫn về nghiệp vụ để làm cho hiệu quả.
Tổng TTCP Lê Minh Khái cho hay, khi tổng kết 10 năm thi hành luật Phòng, chống tham nhũng có đánh giá là kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả.
Ông thông tin, hiện đang có trên 1 triệu bản kê khai được quản lý, nhưng do yếu tố nội bộ còn nể nang nên việc xác minh xem kê khai có đầy đủ hay không còn hạn chế.
“Vì vậy, đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên trách để giao cơ quan này thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ hiệu quả hơn”, ông Khái nói.
Cũng theo Tổng TTCP, dự thảo luật quy định mở rộng đối tượng kê khai, nhưng phương thức có khác đi. Có 4 phương thức kê khai: lần đầu, bổ sung, hàng năm và kê khai phục vụ cho công tác cán bộ.
Riêng kê khai phục vụ cho công tác bổ nhiệm, bầu cử thì không phải kê khai và xác minh trước khi bổ nhiệm. Nhưng khi bổ nhiệm nếu có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hay có dấu hiệu như kê khai không trung thực, không đầy đủ thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh, xong mới bổ nhiệm.
Video: Kê khai tài sản quan chức: ĐBQH hiến kế phá vỡ bức tường im lặng
Bổ nhiệm mới kê khai tài sản, khó kiểm soát
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tán thành việc kê khai tài sản đối với cá nhân từ khi bắt đầu được tuyển vào công chức.
Theo ông, thực tế hiện nay có nhiều cán bộ rất bình thường cũng tham nhũng, nên cần hạ mức chỉ tiêu xuống, ít nhất là cấp trưởng phòng vì đây là cấp tham mưu cho giám đốc, phó giám đốc.
Nói về xác minh tài sản, ông khẳng định từ trước đến nay việc kê khai vẫn mang tính hình thức, “kê khai để đó”, chẳng ai nói là bản kê khai của cán bộ đúng hay sai.
“Đọc hồ sơ kê khai của một số cán bộ cấp cao, tôi thấy nếu đưa người dân xem, chắc chắn họ không đồng tình. Theo tôi, đã kê khai thì phải xác minh hết, không thể có phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên, ta gọi là 'bỏ bom', 'bốc số'", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đồng tình mở rộng đối tượng cán bộ kê khai vì “hôm nay họ là cán bộ bình thường nhưng có thể 5-10 hay 20 năm sau lại là cán bộ lãnh đạo”.
Theo ông, tài sản cán bộ phải theo dõi ngay từ đầu để sau này có cơ sở xử lý nếu có vi phạm. Toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ dễ dàng, các cơ quan phòng chống tham nhũng cũng có thể căn cứ vào một số đối tượng có tài sản tăng bất thường hoặc có dư luận để xem xét lại tài sản đó.
“Nếu đợi đến lúc bổ nhiệm mới bắt phải kê khai thì rõ ràng sẽ có một khoảng trống rất lớn, việc kiểm soát tài sản rất khó”, Bộ trưởng GTVT nói. Ông đề nghị ngoài cán bộ công chức, viên chức thì tất cả cán bộ trong các DNNN, cơ quan tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước đều phải kê khai tài sản.
Bình luận