Phó Bí thư Đoàn Đại học Y Hà Nội – Tiến sỹ (TS) Nguyễn Vũ đã gắn bó với công tác Đoàn thanh niên gần 20 năm.
Hiện nay, TS Nguyễn Vũ giữ nhiều cương vị khác nhau như giảng viên Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Anh Vũ tâm sự:
Ngay từ khi học ở trường Đại học Y Hà Nội, tôi tham gia tất cả các hoạt động mà Đoàn trường đề ra. Tôi nhận thấy hoạt động Đoàn giúp sinh viên có một môi trường lớn để rèn luyện, giúp nhau học tập tốt hơn, năng động hơn.
Với đặc thù nghề nghiệp căng thẳng, khi tham gia vào các hoạt động Đoàn, tôi cũng thấy mình tươi trẻ hơn, học được cách giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để họ không lo lắng về bệnh tật.
Với một người làm Đoàn thanh niên ở trường Đại học Y Hà Nội, ngoài tố chất sôi nổi, có khả năng thu hút được các bạn trẻ, thì phải có cái tâm hướng về cộng đồng.
Vì thế, khi đã trở thành giảng viên và bác sỹ, tôi vẫn dành thời gian cho hoạt động Đoàn để nhằm tạo ra các hoạt động giúp cho các bạn sinh viên không chỉ có nhận thức chuyên môn tốt hơn, mà còn có nhận thức xã hội đầy đủ hơn, rèn dũa y đức, cái tâm, cái tầm của người thầy thuốc.
- Hoạt động Đoàn của sinh viên trường Đại học Y Hà Nội có gì đặc biệt, thưa anh?
Chúng tôi thường tham gia và tổ chức các chương trình khám thiện nguyện. Mỗi năm, trường Đại học Y Hà Nội tổ chức hơn 10 đợt khám chữa bệnh cho khoảng 6.000 người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, chúng tôi quan tâm đến trẻ em lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn thành phố.
Năm 2016, chúng tôi phối hợp với tổ chức dạy nghề đào tạo cho các em lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn Hà Nội về cách sơ cấp cứu. Khi các em gặp người bị nạn, hay bản thân các em có vấn đề gì, thì việc được đào tạo đó sẽ giúp các em sơ cấp cứu ban đầu được tốt.
- Điều gì thôi thúc anh và các bạn trẻ trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa?
Vào mùa đông, khi đến các tỉnh vùng Tây Bắc, những đứa trẻ ở đó đứng giữa trời rét căm căm, áo quần mặc rất mong manh. Chúng cứ mải miết chạy theo đoàn xe chúng tôi.
Hay trong thời gian 3 tháng công tác ở Lai Châu, đi gần hết các huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn như Mường Tè, Sìn Hồ…, tôi thấy người dân ở đó còn nhiều khó khăn, điều kiện chăm sóc y tế cũng rất kém. Họ thậm chí còn không có điều kiện để khám và phát hiện bệnh, chứ chưa nói gì đến chữa bệnh.
Những hình ảnh đó cứ đau đáu trong tôi, thôi thúc tôi phải quay trở lại nhiều lần nữa để giúp đỡ họ, tổ chức thăm khám cho họ.
Đồng thời, những chuyến đi đó giúp tôi có bức tranh toàn cảnh hơn để về truyền thụ cho các bạn sinh viên của mình, cũng như là phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân của bản thân mình.
- Nhưng phải chăng là ngày nay các bạn trẻ có quá nhiều cám dỗ khiến nhiều người sa ngã?
Ngày nay, các bạn trẻ có vô vàn cám dỗ. Nếu các hoạt động Đoàn không thật sự thiết thực, các bạn sẽ không tham gia nhiệt tình.
Tuổi trẻ là phải học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm. Ngoài việc học tập chuyên môn, đạo đức, trau dồi kiến thức xã hội tốt, thì các bạn phải có khát vọng, niềm tin, hoài bão, biết yêu thương người bệnh.
Tuổi trẻ là phải học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm.
Tiến sỹ Nguyễn Vũ
- Đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng thanh niên bây giờ vô cảm, ít quan tâm đến mọi người, chỉ tập trung điều mình mong muốn. Điều đó có phải không, thưa anh?
Ngược lại, tôi lại thấy thanh niên ngày nay tích cực hơn nhiều. Tôi tin rằng giới trẻ càng ngày càng thông minh, năng động hơn, họ có khả năng ngoại ngữ tốt hơn, tiếp cận với đời sống xã hội, kiến thức đầy đủ hơn.
Nếu chúng ta khích lệ được tinh thần các bạn, khi công việc, Tổ quốc cần, cánh tay của thanh niên sẽ là những cánh tay giơ lên đầu tiên.
- Với cách biệt tuổi tác, bí quyết gì để anh luôn tạo được sự gần gũi, thấu hiểu với các sinh viên?
Tôi nghĩ rằng, để gần gũi và thấu hiểu sinh viên của mình, không có gì tốt hơn là làm bạn với họ.
Trong vai trò là một người giảng viên, thông thường thì ban đầu các bạn sinh viên sẽ thấy sợ khi nhìn thấy tôi. Nhưng bao giờ tôi cũng nghĩ, muốn truyền thụ, trau dồi kiến thức tốt nhất, ngoài việc tôn sư trọng đạo, hãy làm một người bạn, người anh chia sẻ với họ, cởi mở với họ thì họ sẽ cởi mở với mình.
- Thời gian dành cho công việc chuyên môn và các hoạt động của Đoàn trường chắc hẳn lấy đi nhiều thời gian của anh dành cho gia đình?
Như tôi đã chia sẻ, hình ảnh lưu lại từ những chuyến đi tình nguyện ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa đã thôi thúc tôi phải quay trở lại, giúp tôi có nhiều chuyến đi mà không mệt mỏi.
Thay vì được đi du lịch cùng với gia đình, được ở những khách sạn sang trọng, tôi trèo đèo lội suối về gần với dân. Với tôi, đó là cái được chứ không phải là cái mất.
Đặc biệt, tôi có một người vợ hiểu và luôn chia sẻ, hỗ trợ mình. Từ thời sinh viên, vợ tôi cũng rất đam mê công tác tình nguyện. Chúng tôi cũng đến và gắn bó với nhau bắt đầu từ những mối quan tâm, lý tưởng sống chung đó.
- Các con của anh hẳn cũng học được nhiều từ các hoạt động của bố mẹ?
Cô con gái lớn của chúng tôi đang học lớp 6, con cũng thích các hoạt động tình nguyện. Thông qua các hoạt động của người lớn, các con cũng được thôi thúc, muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tôi muồn rèn luyện cho con mình phát triển song song cả chỉ số IQ và EQ. Nhưng trên hết, các con phải biết sống tốt, biết yêu thương mọi người.
- Cảm ơn anh!
Video: Thành tích đặc biệt của Đoàn thanh niên Học viện An ninh nhân dân (Truyền hình C500)
Bình luận