(VTC News) - Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh kiến nghị không giao thẩm quyền cho cấp huyện, xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chiều qua (9/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật.
Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số ý kiến khác đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số ý kiến khác đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc giao thẩm quyền cho cấp huyện, xã được ban hành văn bản pháp luật như hiện nay có nhiều bất cập.
Phát biểu tại phiên họp, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng cần phải thay đổi thẩm quyền, đầu mối ra văn bản pháp luật, qua đó không nên quy định cấp xã, huyện có thẩm quyền này.
Tại phiên họp Ủy ban TVQH chiều 9/3, nhiều ý kiến không đồng tình việc giao thẩm quyền cho cấp huyện, xã được ban hành văn bản pháp luật - Ảnh minh họa |
Ông Khánh cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ nên để từ cấp tỉnh trở lên, còn cấp xã, huyện không được thẩm quyền này vì 2 cơ quan này không có thẩm quyền ra chính sách nên không có quyền đặt ra các quy phạm pháp luật mới, có chăng chỉ là sao chép nên có khi không đầy đủ, thậm chí sai phạm, thiếu thống nhất việc cụ thể hóa pháp luật trong thực tiễn.
“Liệu các cơ quan không được ban hành thì có thực hiện được chức năng quản lý Nhà nước không? Hoàn toàn được bằng hệ thống văn bản hành chính, đặc biệt là các quyết định đều thể hiện đầy đủ quyền lực, để tránh hình thành hệ thống quá nhiều văn bản, sao chép không đầy đủ, chồng chéo, khó quản lý”, ông Nguyễn Doãn Khánh nêu ý kiến.
Mặc dù không được quyền ban hành, song theo ông Khánh, chính quyền cấp huyện, xã vẫn có thể thực hiện quản lý được theo đúng chức năng nhiệm vụ.
“Trình tự trong xây dựng luật pháp cần có đổi mới. Muốn hiệu quả pháp luật thì thẩm định chính sách phải đi trước một bước. Chính sách không đạt yêu cầu, không khả thi thì dứt khoát phải loại bỏ” – ông Khánh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chánh án Tòa án NDTC Nguyễn Sơn cho rằng, việc các cấp huyện, xã được quyền ra văn bản đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhiều trường hợp văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh cũng không rõ ràng là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản pháp luật nên càng khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng việc bớt đầu mối có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta.
“Có thể không cần Thông tư nhưng Nghị quyết phải chi tiết hết, không giao cho Bộ trưởng quy định cụ thể nữa. Hoặc Luật không giao Chính phủ quy định cụ thể nữa thì cần gì Nghị định. Nhưng thực tế ta có làm được không? Có những việc phải phối hợp với làm được. Bớt đầu mối được càng nhiều càng tốt nhưng phải lập luận cho rõ, thuyết phục”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Lấy ví dụ, một người bị xử phạt mà lại không nộp phạt, không thi hành thì theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải gọi là vi phạm pháp luật chứ không phải vi phạm văn bản hành chính.
Hay một bộ trưởng đã được bổ nhiệm, đương nhiên từ lúc bổ nhiệm đến miễn nhiệm ông ấy sẽ là bộ trưởng. Nhưng trong trường hợp ông ấy không làm thì sẽ bị xử lý, vì Quốc hội chưa cho mà ông ấy lại tự bỏ công sở về. Trường hợp như vậy là vi phạm hành chính chứ không vi phạm quy phạm pháp luật.
“Tưởng văn bản hành chính để thực hiện hành chính nhưng thực chất là thi hành pháp luật. Đó là văn bản pháp luật đấy, một loại áp dụng lâu dài, một loại áp dụng cụ thể việc này, việc khác, nhưng đều là văn bản pháp luật cả”, ông Nguyễn Sinh Hùng phân tích.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với Nghị quyết liên tịch, văn bản liên tịch có cái áp dụng nhiều lần nên giữ lại, nhưng cần rà soát để hạn chế bớt loại này.
“Cái nào tổng kết, đưa được vào luật rồi thì sau này không giao ra văn bản liên tịch nữa. Nên định hướng trong trường hợp Chính phủ thấy rằng cần ra Nghị định quy định chi tiết thì không cần thiết giao ra Thông tư liên bộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội rút lại vấn đề.
Lan Uyên
Bình luận