Đạo diễn, diễn viên kiêm nhà đầu tư Trấn Thành ngày 17/2 thông tin phim "Nhà bà Nữ" sẽ khởi chiếu ở Mỹ, Singapore, Úc và New Zeland trong khoảng tháng 3.
Tăng thu, cứu lỗ
Hiện tại, theo trang Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ) phim "Nhà bà Nữ" đã thu được hơn 437 tỷ đồng, từng bước tiến đến con số kỷ lục 500 tỷ đồng. "Nhà bà Nữ" xuất ngoại sau khi chiếu ở rạp Việt là chuyện tất yếu để tăng hơn nữa nguồn thu từ thị trường hải ngoại.
Trước "Nhà bà Nữ", nhà sản xuất phim "578: Phát đạn của kẻ điên" thông tin tác phẩm này sẽ được phát hành rộng rãi tại thị trường châu Âu: Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch… và cùng với đó là Thụy Sĩ, Slovakia, Israel, Đức, Estonia, Hy Lạp…
Ngoài ra, phim cũng phát hành tại nhiều thị trường khác như: Ấn Độ, Mexico, Argentina, Brazil, Canada… Theo kế hoạch, đến ngày 30/6, phim sẽ được chiếu tại 42 quốc gia và gần 10 vùng lãnh thổ. Thông qua công ty phát hành tại Anh và Đức, mục tiêu trong năm 2023 là phim sẽ có mặt tại 62 thị trường và dự kiến thu về 2,63 triệu USD.
Nếu được như kế hoạch thì rõ ràng đây là tín hiệu đáng mừng và cũng là cơ hội để tác phẩm này thu hồi vốn sau khi thất bại ở rạp Việt.
"578: Phát đạn của kẻ điên" ra rạp từ ngày 18/5/2022 nhưng chỉ thu được hơn 3,5 tỷ đồng và được đạo diễn Lương Đình Dũng chủ động rút khỏi rạp sau 2 tuần. Nội dung phim kể về hành trình báo thù của tài xế xe container Hùng (Alexandre Nguyễn đóng) nhằm tìm lại công lý cho con gái anh là bé An. Bé An bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề sau khi trốn khỏi đường dây bắt cóc trẻ em, xâm hại. Phim được làm công phu, bối cảnh đẹp nhưng phần kịch bản còn nhiều hạn chế trong cách xây dựng nhân vật, phát triển tâm lý và diễn xuất của diễn viên.
Việc đưa tác phẩm đến thị trường nước ngoài để tăng thêm nguồn thu hoặc nỗ lực cứu lỗ, thu hồi vốn không phải chuyện quá viển vông với phim Việt. Các phim "Bố già" của Trấn Thành đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng, phim "Hai Phượng" của Lê Văn Kiệt cũng từng gặt hái doanh thu tốt khi "mang chuông đánh xứ người".
Tính đến ngày 15/6/2021, "Bố già" đạt doanh thu 1,08 triệu USD (hơn 24,5 tỷ đồng), trở thành phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất lập thành tích tại thị trường Mỹ. Phim "Hai Phượng" ra rạp năm 2019, ban đầu chiếu 15 thành phố tại Mỹ nhưng do được đón nhận tốt nên nhà phát hành nâng lên chiếu 28 thành phố cùng lúc phát hành ở thị trường Canada. Sau tuần đầu tiên chiếu ở Mỹ, phim thu 150.000 USD và sau đó nâng lên 600.000 USD (gần 13 tỷ đồng). Con số này ngày càng tăng cao hơn khi phim được chiếu ở Trung Quốc.
"Phim Việt xuất ngoại là một hướng đi mà hầu hết nhà làm phim Việt hướng đến ngay từ khi bắt đầu dự án. Bởi càng nhiều nguồn phát hành, nhà làm phim càng có cơ hội thêm nguồn thu cho phim. Dù phim thắng hay thua trên sân nhà cũng sẽ tiến ra nước ngoài với nhiều mục tiêu khác nhau: tham gia tranh giải ở các liên hoan phim, quảng bá ở chợ phim và nếu được sẽ phát hành thương mại tại các rạp ngoại phục vụ kiều bào" - biên kịch Đông Hoa thông tin.
Khó thay thị trường chính
Những năm trước, nhiều phim độc lập, phim thuộc dòng nghệ thuật của các nhà làm phim trẻ Việt hướng ra nước ngoài để tranh giải, quảng bá. Sau khi đi vòng quanh các nước mới mang phim về phục vụ khán giả Việt. Các phim thương mại sau khi chiếu ở rạp Việt thì xuất ngoại tham gia các chợ phim, nhằm tự giới thiệu thương hiệu phim Việt.
Theo nhà sản xuất Lý Quốc Oai, có không ít khó khăn khi phát hành phim Việt ở nước ngoài như câu chuyện phim chưa ấn tượng vì tập trung quá nhiều vào yếu tố bản địa, gây khó hiểu cho người nước ngoài hoặc không có nét riêng, đạo diễn và dàn diễn viên kém danh tiếng so với khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc. Với thị trường có đông người Việt như ở Mỹ và một số nơi có khu người Việt sống tập trung thì việc phát hành phim Việt tương đối thuận lợi.
"Phim có thể chiếu được càng nhiều càng tốt và chiếu nơi đâu cũng được bởi gu điện ảnh mỗi khán giả khác nhau, mỗi nước khác nhau. Tuy nhiên, tôi không tin rằng thị trường hải ngoại hiện đủ để tạo ra nguồn doanh thu giúp phim Việt gặt hái lợi nhuận. Phim Việt có thể gặt hái doanh thu tốt nhất vẫn là ở thị trường trong nước vì câu chuyện Việt thì người Việt sẽ thấu hiểu tốt hơn. Nếu không chinh phục được họ sẽ rất khó để chinh phục được khán giả hải ngoại mà khó hơn nữa là người nước ngoài" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Theo những người trong cuộc, sau một thời gian nỗ lực hòa nhập cùng sự phát triển chung của điện ảnh khu vực, phim Việt được sản xuất tốt hơn về mặt kỹ thuật, câu chuyện, diễn xuất. Dù chưa hoàn hảo nhưng các phim “Bố già”, “Hai Phượng”… ít nhiều tạo kỳ vọng phim Việt có cơ hội tăng nguồn thu ở hải ngoại. |
Bình luận