Nếu như việc các clip ca nhạc mới chỉ khai thác chủ đề đồng tính trong thời gian ngắn trở lại đây thì phim Việt đi sớm hơn rất nhiều. Từ năm 2003, Lê đã Hoàng đưa nhân vật Tú Bà vào bộ phim Gái nhảy và từ đó, những mối tình đồng giới thường xuyên được các đạo diễn Việt đưa vào phim.
Thậm chí, có thời gian, nó trở thành trào lưu thịnh hành. Bất cứ bộ phim nào cũng phải có một nhân vật nam có vẻ ngoài nữ tính xuất hiện, dù đôi khi chỉ lướt qua khung hình vài giây hoặc nhiều hơn là bạn thân của một cô nàng hay anh chàng nào đó.
Thời điểm đó, các nhân vật đồng tính này xuất hiện chỉ với một mục đích mua vui, lấy tiếng cười của khán giả. Chính vì thế, không khó để nhận thấy, họ thường được các đạo diễn khắc họa với ngoại hình và tính cách có phần hơi lố, làm quá lên so với thực tế.
Họ chẳng có số phận, tính cách gì nổi bật. Họ chẳng đóng bất cứ vai trò gì trong sự phát triển của câu chuyện trong phim. Nếu cắt những nhân vật này đi, nội dung phim cũng không hề bị ảnh hưởng.
Chỉ tới đầu năm 2010, đạo diễn Charlie Nguyễn mới mạnh dạn khai thác sâu một nhân vật đồng tính trong bộ phim Để mai tính. Nhân vật chị Hội được giao cho nam diễn viên Thái Hòa. Vẫn với cách tạo hình có phần lòe loẹt, giọng nói điệu chảy nước, cái miệng cong cớn, những ngón tay cong điệu đà...giống như rất nhiều nhân vật đồng tính từng xuất hiện trước đó trên màn ảnh rộng Việt. Điểm khác biệt lần này là chị Hội được đạo diễn giao cho một số phận, một tính cách rõ nét hơn.
Chị Hội xuất hiện - dĩ nhiên, vẫn trong mục đích lấy tiếng cười của khán giả và nhân vật này vẫn nhận phải rất nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng cũng như chính cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính, chuyển giới).
Tuy nhiên, ít ra, chị Hội còn có tác động lên chuyện tình của hai nhân vật chính. Nghĩa là chị không tự nhiên "xuất hiện rồi mất đi" mà chẳng để lại dấu vết gì như nhiều nhân vật đồng tính khác trong phim Việt. Và hơn cả, Charlie Nguyễn đã khiến khán giả có một cái nhìn thiện cảm hơn khi chứng kiến chị Hội cũng biết yêu, biết ghen, biết đau khổ và biết hy sinh cho người mình yêu.
Thành công của chị Hội trong Để mai tính thúc đẩy Charlie Nguyễn tiếp tục khai thác những nhân vật có xu hướng tình dục đồng giới và vẫn giao cho Thái Hòa đảm nhận. Tuy vậy, tác phẩm tiếp theo của anh mang tên Tèo em bị cho là có nhiều chi tiết xúc phạm cộng đồng LGBT. Trước áp lực của dư luận, Charlie Nguyễn và Thái Hòa phải công khai lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ rút kinh nghiệm trong các tác phẩm tiếp theo.
Tới bộ phim Để mai tính phần 2, Charlie Nguyễn đẩy chị Hội lên làm ngôi sao chính. Bi kịch lại một lần nữa đến khi người này đem lòng yêu một người "đàn ông thẳng" và một lần nữa, anh ta lại phải hy sinh cho người mình yêu.
Tuy vậy, trên mạng xã hội của những người đồng tính, song tính, chuyển giới với tên gọi Tôi đồng ý có hơn 80.000 thành viên, nhiều người đã lên tiếng phản đối Để Mai tính 2. Họ cho rằng bộ phim làm xấu hình ảnh của người đồng tính, gây phản cảm trong dư luận và lấy yếu tố đồng tính để tạo ra những cảnh nhảm nhí để gây cười.
Một trong những cảnh phim bị các thành viên của trang Tôi đồng ý lên án nhất là khi chị Hội bị tạm giam. Đầu tiên, chị đòi hỏi được chuyển sang buồng giam nữ nhưng khi thấy một nhân vật điển trai, cao to, vạm vỡ xuất hiện, chị liền đổi ý. Theo những người trong cuộc, chi tiết người chuyển giới bị ám ảnh về tình dục có thể gây cười nhưng lại vô tình khắc sâu thêm định kiến về cộng đồng LGBT. .
Chỉ có rất ít thành viên ủng hộ phim khi thấy nhân vật chị Hội dũng cảm thể hiện con người thật của mình, dám yêu, dám nghĩ, dám làm.
Vũ Ngọc Đãng từng gây tiếng vang với bộ phim Hot boy nổi loạn. Bộ phim khai thác chuyện tình cảm của cặp đôi Lam - Khôi với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, ngọt ngào, cay đắng. Lần đầu tiên trên màn ảnh rộng Việt, thế giới mại dâm nam được lôi ra ánh sáng với tất cả sự trần trụi, bẩn thỉu và nhơ nhớp nhưng ở đó, vẫn le lói những số phận đáng thương, những tâm hồn bị chà đạp tới kiệt quệ mà vẫn mong có thể vươn ra ngoài ánh sáng.
Hot boy nổi loạn trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt trong năm 2012 khi giành tới 7 đề cử tại Liên hoan phim Việt Nam và giành được 4 giải thưởng quan trọng là Bông sen bạc cho phim nhựa (không có Bông sen vàng), Nam diễn viên phụ xuất sắc (Hồ Vĩnh Khoa), Quay phim xuất sắc (Nguyễn Nam), Đạo diễn xuất sắc (Vũ Ngọc Đãng).
Tiếp nối thành công của Hot boy nổi loạn, Vũ Ngọc Đãng cho ra mắt phim Con ma nhà họ Hứa. Dù là một bộ phim kinh dị nhưng nó lại mang lại cho người xem cảm giác rờn rợn bởi những cảnh khoe da thịt, những nụ hôn táo bạo của hai nhân vật đồng tính nam. Tình yêu đồng giới dường như lấn át cả chủ đề kinh dị mà bộ phim được gán mác.
Không chỉ khai thác chuyện tình đồng tính giữa hai nhân vật nam, giới làm phim Việt còn mạnh dạn đưa mối quan hệ đồng giới giữa hai người phụ nữ lên màn ảnh rộng. Bộ phim White Valentine được ra mắt khán giả vào năm 2016.
Nhà sản xuất phim cho hay, họ không cổ súy cho tình yêu đồng tính kể cả nam hay nữ, nhưng cũng không có ý kỳ thị gì về họ. Những người đồng tính cũng giống bao người, cũng có tình cảm, có những tình yêu đẹp xuất phát từ trái tim, và khi yêu ai lại không muốn có được một kết cục tốt đẹp.
Tuy nhiên, sau khi xem phim, khán giả bị choáng bởi mức độ bạo dạn của hai nhân vật nữ. Họ không chỉ liên tục khóa môi, thậm chí còn làm tình ngay trên một chiếc bè trôi trên sông giữa thanh thiên bạch nhật.
Trong lĩnh vực điện ảnh Việt, những mối tình đồng tính được khai thác nhiều nhưng thiếu chiều sâu nhưng dẫu sao, nó còn cho thấy sự đầu tư của người làm phim. Họ cũng ít nhiều chú tâm cho các nhân vật của mình.
Bước sang lĩnh vực truyền hình, phim ngắn phát hành trên mạng, nhiều khán giả còn cảm thấy sốc, thậm chí là tức giận trước cách các đạo diễn xây dựng các nhân vật đồng tính một cách cẩu thả, hời hợt và vô nhân đạo.
Gần đây nhất, một bộ phim dành cho tuổi teen khai thác chủ đề đồng tính trở thành hiện tượng sốt trên mạng và được phát trên một kênh truyền hình phía Nam đã mạnh dạn khai thác chuyện tình giữa hai nữ sinh. Một cô gái sau khi cãi nhau với bạn trai, vào quán cafe ngồi. Tại đây, cô được một nữ phục vụ để ý và từ đó, chuyện tình đồng tính của hai nhân vật bắt đầu.
Đồng tính là một trong những xu hướng tình dục phổ biến ở loài người. Nó không phải một căn bệnh để rồi dễ dàng bùng phát hay lây lan như các đạo diễn Việt đang xây dựng cho các nhân vật của họ.
Ngoài xã hội, có rất nhiều người đồng tính, họ dễ thương, họ thành đạt, họ hạnh phúc nhưng sao trong các sản phẩm của các đạo diễn Việt, họ trở nên méo mó và kỳ dị.
Có thể nói, ở Việt Nam, phim khai thác đề tài đồng tính không thiếu, nhưng lại không khai thác sâu đề tài này theo hướng phản ánh chân thực và đậm chất nghệ thuật, mà chủ yếu nặng về giải trí.
Các nhà làm phim dường như quá độc ác khi coi những người đồng tính là công cụ để mua tiếng cười dễ dãi của một bộ phận khán giả. Họ chà đạp lên số phận, danh dự của họ
Một vài thành viên trong trang Tôi đồng ý từng xót xa chia sẻ, hình tượng người đồng tính trong phim Việt hơn một thập kỷ qua, từ Gái nhảy cho tới bây giờ vẫn không có gì thay đổi, họ giống như "một ổ bánh hỏng được tô trét vài đường kem tươi ngon lành bên ngoài"
Và đó là lý do vì sao, phần lớn các tác phẩm điện ảnh Việt khai thác chủ đề đồng tính không được công chúng tiếp nhận còn những người có xu hướng tình dục đồng giới cảm thấy tức giận, bị chà đạp và coi thường.
MV đồng tính của Đức Tuấn bị cộng đồng LGBT phản ứng dữ dội
Bình luận