2018 là một trong những năm khó khăn nhất của tài chính thế giới trong nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, hôm qua, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi hàng loạt tài sản bị bán tháo, khiến nhà đầu tư không còn nơi trú ẩn.
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp với mức giảm trung bình của cả ba chỉ số chính là 2%, đẩy S&P 500 tiến sát trạng thái điều chỉnh. Giá dầu thô giảm 6%, xuống đáy hơn một năm. Bitcoin rơi tự do, về sát 4.000 USD một đồng. Trong khi đó, các công cụ trú ẩn truyền thống như vàng, yen Nhật hay trái phiếu chính phủ Mỹ gần như đứng yên.
Đây là một trong những phiên giao dịch tệ nhất của tài chính toàn cầu kể từ năm 2015. "Dù thị trường chưa đến mức hoảng loạn, hầu hết nhà đầu tư cho rằng đà bán sẽ không chậm lại sớm", Larry Weiss – Giám đốc Giao dịch tại Instinet nhận xét, "Người ta đang đổ xô cầm tiền mặt. Rất khó thuyết phục họ giờ là thời điểm bắt tiền làm việc cho mình".
Giới phân tích cho rằng nguyên nhân đằng sau sự bán tháo này là nỗi lo về tương lai. Lợi nhuận doanh nghiệp – động lực giúp chứng khoán Mỹ có thời kỳ thị trường giá lên dài kỷ lục – dường như đã đạt đỉnh. Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ - Donald Trump thì chưa có hồi kết. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng không ra dấu sẽ giảm tốc tăng lãi suất. Đây là cơn ác mộng với những người nắm giữ 5.000 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đã được các công ty Mỹ bán ra trong thập kỷ qua.
Đà bán tháo được dự báo còn tiếp tục, khi các quỹ đầu tư mạo hiểm – vốn đổ rất nhiều tiền vào cổ phiếu công nghệ cuối tháng 10 – lại chuyển sang bán ròng trong tháng này. Họ ngày càng bi quan về cổ phiếu các hãng phát triển phần mềm Internet và sản xuất thiết bị điện tử.
"Tiền đầu tư còn rất nhiều, nhưng chẳng có mấy địa chỉ hấp dẫn", Bruce McCain – chiến lược gia đầu tư tại KeyBank nhận xét, "Điều khiến hàng loạt tài sản giảm giá là câu hỏi: Liệu chúng ta đang rơi vào một cuộc suy thoái hay đang đạt tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn?".
2018 đang là năm đau đầu với các nhà đầu tư khi sự bất ổn lan truyền khắp các thị trường. Hôm qua, mọi nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều giảm, từ các hãng công nghệ từng dẫn đầu đà tăng như Apple hay Alphabet đến những cái tên đã mất giá suốt nhiều tháng.
Còn với các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, điều khiến họ lo ngại nhất là sự xuống cấp về tín dụng, khi nhiều người đòi hỏi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn, và các đợt bán trái phiếu mới gặp khó. Chủ tịch Fed Minneapolis - Neel Kashkari thường xuyên kêu gọi quan chức Fed thận trọng khi nâng lãi, do thắt chặt thêm nữa có thể gây ra suy thoái.
"Một trong những mối quan tâm của tôi là nếu nâng lãi không cần thiết, chúng ta có thể chấm dứt đà tăng trưởng" và châm ngòi cho cuộc suy thoái tiếp theo, ông cho biết trong một chương trình trên National Public Radio hôm qua. Vì vậy, Fed cần "dừng lại và nhìn nhận nền kinh tế đang đi theo hướng nào".
Bình luận