• Zalo

Phía sau một bài điều tra không có trên mặt báo

VTC News 10 năm hành trình nhân áiThứ Sáu, 06/07/2018 07:51:00 +07:00Google News

Ngùn ngụt căm giận khi biết bác sỹ đang làm việc ác, nhưng rồi tôi phát hiện ra rằng, phía sau điều xấu xa ấy là hoàn cảnh khiến ai cũng phải mủi lòng. Và bài báo đó đã không được đăng tải…

Ngày 7/7 này, Báo điện tử VTC News tròn 10 tuổi. Đây là dấu mốc chặng đường đầy chông gai nhưng cũng nhiều quả ngọt của VTC News. 10 năm, chặng đường chưa dài, nhưng VTC News đã là một trong những tờ báo điện tử hàng đầu và uy tín của đất nước. Từ hôm nay, chúng tôi sẽ đăng tải các bài viết, những câu chuyện tiêu biểu thực hiện trong 10 năm qua. Đây là chuyên đề nằm trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm VTC News.

Tháng 3 năm 2016, khi đang đi tìm hiểu tư liệu cho loạt bài xe cứu thương dù tại các bệnh viện lớn, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người bạn học cùng quê đã lâu không gặp. Anh nói ngắn gọn, tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, có một số cán bộ, nhân viên của bệnh viện mua xe, tự lắp còi hú và dán nhãn để giả xe cấp cứu, ép bệnh nhân sử dụng.

Anh vu viec

Một trong số xe cứu thương giả đang ẩn nấp chờ tới lượt vào viện đón bệnh nhân. Ảnh tư liệu 

Nhận thấy đây là vấn đề mới nhức nhối trong đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến số đông bệnh nhân, một đề tài có thể tạo độ rung xã hội rộng lớn… tôi quyết định thâm nhập điều tra nhằm phanh phui chân tướng sự việc.

Hai tuần sau, ngày nào tôi cũng có mặt tại bệnh viện. Khi trong vai người nhà bệnh nhân, lúc là xe ôm, là người đến khám sức khỏe chuẩn bị làm hồ sơ xin việc… Một lần, khi tôi vừa trò chuyện với người nhà một bệnh nhân, thì một người đàn ông bặm trợn tiến lại, anh ta ném về tôi cái nhìn hung dữ rồi hất hàm hỏi mới đến đây bắt khách à, đã xin phép ai chưa... rằng tôi sẽ bị xử nếu không biết trên biết dưới, đất có thổ công, sông có hà bá. Tôi nói mình đến thăm bệnh, không “làm ăn” gì ở đây cả, anh ta có thể yên tâm với công việc của mình. Anh ta không nói gì nhưng vẫn dè chừng mỗi khi thấy tôi bắt chuyện với người nhà bệnh nhân.

Nghề báo, đằng sau những con chữ tưởng như khô khan là số phận con người.

Những ngày ở đây, tôi phát hiện có 5 xe cấp cứu gắn còi hụ, logo cứu thương, thường ra vào chở bệnh nhân chuyển viện, sang tuyến. Nhìn bề ngoài, dễ lầm tưởng đó là những xe cứu thương nhà nước nhưng thực tế đây là những xe tư nhân tự gắn mác để vận chuyển cấp cứu. Điều đáng nói, chủ của các xe này là cán bộ, nhân viên trong bệnh viện. Giá dịch vụ thường cao hơn quy định 200 – 300 nghìn đồng/ca và các bác sỹ là người chủ động gọi xe.

Thông qua một người bạn công tác tại Phòng CSGT Công an tỉnh, tôi xác định được chủ sở hữu các xe cấp cứu trên. Thật bất ngờ, 3 trong số 5 xe có chủ sở hữu là một phòng khám đăng ký hoạt động tại TP Thái Bình, một trong hai chủ phòng khám là Trưởng khoa tại bệnh viện. Các xe còn lại, đều liên quan tới cán bộ, nhân viên đang công tác trong viện. Bất giác, ngọn lửa giận dữ ngùn ngụt cháy trong tôi. Tại sao họ có thể làm thế, người bệnh chưa đủ khốn khổ sao lại kiếm chác trên nỗi đau bệnh tật? Tôi chỉ muốn ngay lập tức đưa sự việc ra trước công luận, muốn vị trưởng khoa kia phải chịu hậu quả ngay lập tức vì hành vi vô đạo của mình.

PV Hoang Hung 3

 PV Hoàng Hưng

Tư liệu đã đầy đủ, tôi đi chất vấn lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế Thái Bình và viết bài phản ánh. Bài viết lên trưa hôm trước thì hôm sau tôi nhận được cuộc gọi của vị trưởng khoa kia. Giọng anh ta yếu ớt và hơi run. Anh ta ngỏ ý muốn gặp tôi để giải thích rõ hơn. 

Trước mặt tôi là một người đàn ông còn khá trẻ, đôi mắt ánh lên vẻ trí thức nhưng nhuốm sự mệt mỏi. Tôi nghĩ mình sẽ được nghe một lời bào chữa. Nhưng không hẳn, bằng giọng nhỏ nhẹ song ấm áp, vị trưởng khoa thừa nhận có lỗi nhưng lý giải không phải vì lợi nhuận, mà do đang trong quá trình xin cấp phép hoạt động. Giá vận chuyển một số chuyến cao hơn là bởi chất lượng dịch vụ và tùy thuộc nhu cầu người nhà bệnh nhân.

Rồi anh ta kể về những góc khuất nghề mà nếu không phải người trong cuộc thì chẳng thể nào hiểu được. Hàng ngày, làm việc trong bầu không khí phủ kín bằng bệnh tật, máu me, tiếng khóc, tiếng rên rỉ, thở than và cả cái chết. Người bác sỹ, hơn ai hết đều cảm thấy thương cảm như chính vết thương của mình đang rỉ máu. Đa số, họ đến và ở lại với nghề bằng tình yêu và cái tâm. Như chính anh ta, khi đăng ký ngành y cũng vì niềm đam mê, kính trọng những vị bác sĩ đã tận tâm cứu chữa cho người cha thân yêu của mình. Do đó, họ không có lý do và không thể nào đòi hỏi tiền bạc từ những người bệnh mà bản thân đang nỗ lực giúp chiến đấu với sự sống và cái chết trong từng hơi thở.Trong câu chuyện, tôi được biết vợ anh ta cũng mắc bệnh hiểm nghèo, đang trong những ngày xạ trị cam go. Anh ta không muốn cô biết những chuyện đã xảy ra, muốn cô vui vẻ, yên tâm chiến đấu với căn bệnh quái ác.

 
Tôi tin, tài sản lớn nhất mà mình có được từ nghề báo là những câu chuyện từ sâu thẳm của nhân vật.

Nghe anh ta nói mà lòng tôi chùng xuống. Con người ai có lúc khó tránh khỏi sai lầm hay những tai nạn nghề nghiệp không lường trước. Nhưng những sai lầm đã mắc phải không thể là thước đo đánh giá một con người, quan trọng là họ biết sửa sai, đứng dậy sau vấp ngã và đạt những thành tựu khác trong sự nghiệp. Số phận đưa đẩy họ vào nghề quá ư khắc nghiệt, phải chứng kiến những khổ đau, sinh tử của kiếp người.

Tôi quyết định dừng lại, sau khi nhận được cam kết của lãnh đạo bệnh viện và Sở Y tế Thái Bình về việc sẽ chấn chỉnh hoạt động vận chuyển xe cấp cứu.

Nhiệm vụ của một nhà báo, hiển nhiên là nói lên sự thật. Nhưng nghề báo, đằng sau những con chữ tưởng như khô khan lại là số phận con người. Tôi tin, tài sản lớn nhất mà mình có được từ nghề báo là những câu chuyện từ sâu thẳm của nhân vật. Và, tôi luôn tự nhắc mình, phải biết dừng đúng lúc bởi với những bài viết chống tiêu cực, nhìn ở góc này người viết là người hùng nhưng ở góc kia, lại là kẻ bút máu.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn