• Zalo

Phía sau chuyến công du chớp nhoáng của Tổng thống Nga Putin tới Belarus

Thời sự quốc tếThứ Tư, 21/12/2022 07:54:47 +07:00Google News
(VTC News) -

Giới phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Putin tới Belarus có thể báo trước sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Belarus dành cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Tổng thống Nga Putin ngày 19/12 có chuyến thăm tới Belarus – một đồng minh thân thiết của Moskva. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Nga đang tăng cường các cuộc tập kích tên lửa vào Ukraine khi xung đột sắp bước sang tháng thứ 10.

Giới phân tích cho rằng chuyến thăm ngắn ngủi của ông Putin tới Belarus có thể báo trước sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Belarus dành cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Đây là chuyến thăm hiếm hoi của ông Putin tới nước đồng minh thân thiết. Hai nhà lãnh đạo Nga - Belarus thường xuyên liên lạc với nhau, nhưng trong ba năm qua, tất cả các cuộc đàm phán song phương của họ đều diễn ra ở Nga.

Phía sau chuyến công du chớp nhoáng của Tổng thống Nga Putin tới Belarus - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. (Ảnh: RTE)

Belarus được cho là có kho dự trữ vũ khí từ thời Liên Xô, có thể đóng vai trò hữu ích với Nga. Về phần mình, Minsk cần Moskva hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu. Phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Lukashenko, ông Putin nhấn mạnh mối quan hệ kỹ thuật-quân sự chặt chẽ giữa hai bên. Ông cho biết, sự hợp tác này không chỉ bao gồm việc cung cấp các thiết bị cho nhau mà còn phối hợp trong các ngành công nghiệp quân sự công nghệ cao.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ nhận định, điện Kremlin có thể tìm kiếm thêm một số hình thức hỗ trợ quân sự của Belarus cho các hoạt động tại Ukraine, bởi thời tiết mùa đông và sự tổn thất về binh lực, vật lực sau 10 tháng giao tranh khiến Nga khó có khả năng sớm tiến hành bất cứ cuộc tấn công lớn nào trong thời gian tới.

Đánh giá của Viện này lưu ý: “Năng lực quân sự của Nga để chuẩn bị và tiến hành các cuộc tấn công cơ giới quy mô lớn hiệu quả trong vài tháng tới vẫn còn nhiều nghi vấn” và “chưa có dấu hiệu cho thấy Nga đang thành lập một lực lượng tấn công tại Belarus. Tuy vậy, cuộc gặp giữa ông Putin và ông Lukashenko sẽ củng cố hoạt động thông tin của Nga, nhằm cảnh báo Ukraine và phương Tây rằng Nga có thể phát động cuộc tấn công bất cứ lúc nào”.

Nga và Belarus tung hỏa mù

Thời gian gần đây, Nga và Belarus liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận chung. Nhà phân tích quốc phòng độc lập Konrad Muzyka dẫn thông in tình báo nguồn mở cho biết, Nga đã triển khai từ 10.000 đến 15.000 binh sỹ tham gia hoạt động huấn luyện ở Belarus, mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ so với số lượng binh sỹ mà nước này điều động cho chiến dịch quân sự đặc biệt.

Những hình ảnh vệ tính mới nhất về Belarus cho thấy, nhiều con đường rừng đã xuất hiện và Minsk dường như đang di chuyển thiết bị quân sự tới biên giới phía Bắc của Ukraine. Một số chuyên gia coi đây là dấu hiệu cho thấy Belarus có khả năng trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sự xuất hiện của nhiều khí tài quân sự mới cùng với chiến dịch chống khủng bố của Belarus và cuộc tập trận đột xuất nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội đã khiến chính phủ Ukraine lo ngại nước này có thể đối mặt với một cuộc tấn công mới từ phía Bắc vào đầu năm 2023.

Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra đến nay, Belarus luôn tránh can dự vào cuộc xung đột, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Minsk có thể thay đổi lập trường. Đã có sự gia tăng các chuyến tàu vận chuyển binh lính và thiết bị từ biên giới Nga đến thị trấn Brest ở tây nam Belarus, gần biên giới với Ba Lan – quốc gia thành viên của NATO. Theo hãng thông tấn Nga Interfax, quân đội Nga tại Belarus sẽ sớm tiến hành các cuộc tập trận chiến thuật.

Nhà phân tích Artyom lưu ý, việc Belarus triển khai quân đội tới Ukraine sẽ là canh bạc đối với Tổng thống Lukashenko: “Nếu binh sỹ Belarus tới Ukraine, họ sẽ phải hứng chịu thương vong và đây có thể là một thảm họa đối với ông Lukashenko”.

Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, Tổng thống Lukashenko sẽ cố gắng tránh việc điều quân tham chiến ở Ukraine do tình hình an ninh bất ổn ở trong nước sau một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2020. Hanna Liubakova, một chuyên gia về Belarus và là thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định, việc mất quân ở Ukraine có thể khiến sự ủng hộ đối với ông Lukashenko sụt giảm và làm trầm trọng hơn sự bất ổn tại quốc gia này.

Đánh giá về một loạt hoạt động quân sự đang diễn ra ở Belarus trong thời gian gần đây, trong đó có cả cuộc tập trận chung với Nga, một số chuyên gia quân sự cho rằng đây có thể là một phần của chiến thuật tung hỏa mù nhằm buộc Ukraine phải luân chuyển quân từ mặt trận ác liệt ở phía Đông và phía Nam sang phía Bắc.

Hiện chưa có con số chính xác về số lượng binh sỹ hiện diện ở biên giới giữa Belarus với Ukraine, nhưng các nguồn tin an ninh Ukraine cho biết, họ đang chuẩn bị kịch bản đối phó với hơn 30.000 binh sỹ, trong đó có cả quân tiếp viện của Nga.

Nhà phân tích Hanna Liubakova lưu ý, dù chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sắp tiến hành cuộc tấn công lớn vào Ukraine từ Belarus nhưng về lâu dài không thể bỏ qua kịch bản này.

“Nga có thể chưa vội tiến hành cuộc tấn công lớn ngay lập tức vì họ cần tập hợp đủ binh sỹ cho kế hoạch này. Nhưng không có nghĩa là cuộc tấn công này sẽ không xảy ra. Đối với Tổng thống Putin, việc giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev vẫn là điều hợp lý nhất xét về góc độ quân sự và cách nhanh nhất để tới Kiev là đi qua Belarus”.

Hồng Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn