• Zalo

Phía sau bộ sắc phục màu vàng: Mùa hè trên đầu họ là bầu trời không gợn mây

Thời sựChủ Nhật, 19/08/2018 11:45:00 +07:00Google News

"Mùa hè, trên đầu họ là bầu trời không gợn mây, nắng chói chang, mặt đường nơi họ đứng làm việc tỏa ra hơi nóng hầm hập như một chiếc chảo rang, bốn phía nơi họ đứng là biển người biển xe, là sự hỗn độn, ầm ĩ của âm thanh...", đó là công việc của những người chiến sĩ CSGT mà Thượng tá Trịnh Văn Sỹ hồi tưởng lại trong cuốn sách của mình.

Trên những ngả đường đời bao gồm 26 câu chuyện, những câu chuyện diễn ra suốt 40 năm trong nghề của người sỹ quan cảnh sát giao thông Trịnh Văn Sỹ. Ông muốn mở ra cho người đọc những góc cạnh ít biết phía sau công việc của những người mặc bộ cảnh phục màu vàng cũng như sự nhân ái tử tế mà nghề cảnh sát luôn tâm niệm.

Cuốn sách này, tác giả không đi sâu vào công việc chuyên môn của lực lượng cảnh sát giao thông hay nói về thành tích của bản thân mà tập trung vào khai thác lòng nhân ái giấu trong mỗi hành động của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông: là hành trình dẫn đoàn, những lần truy quét tội phạm, hay cuộc giải cứu lòng tin ở Đồng Tâm,…

trinh-van-sy_meff-3-(1) 3

Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một chuyến thăm của bà tới Việt Nam.

“Mùa hè trên đầu họ là bầu trời không gợn mây, nắng chói chang. Mặt đường nơi họ đứng làm việc tỏa ra hơi nóng hầm hập như một chiếc chảo rang. Bốn phía nơi họ đứng là biển người biển xe, là sự hỗn độn, ầm ĩ của âm thanh. Bên cạnh họ là khói bụi, là mùi xăng dầu, mùi mồ hôi tỏa ra từ chính cơ thể họ.

Nhiều người đi đường chứng kiến một nữ Cảnh sát giao thông đang đứng trên bục chỉ huy giao thông ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi gục ngã xuống đường vì sự khắc nghiệt của thời tiết, của môi trường, của công việc. Mùa đông, mùa mưa, gương mặt họ tái nhợt, môi họ thâm lại, có những lúc toàn thân họ run lên vì giá rét...”, người chiến sỹ cảnh sát giao thông đã viết như vậy về cái nghề đã gắn bó với mình suốt 40 năm với sự giản dị như chính con người ông.

“Trạm cảnh sát giao thông Ba La và những cái bẫy”, Ba La - nơi không chỉ có danh tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng toàn quốc về công tác trấn áp tội phạm, phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển hàng hóa sai quy định.  

Năm 2002, khi tác giả làm đội trưởng đội CSGT Ba La. Một đêm, đoàn xe tải gồm 5 chiếc chạy từ hướng Xuân Mai về Hà Đông. Người lái xe giới thiệu được chủ hàng giao nhiệm vụ áp tải số gỗ pơ mu từ Điện Biên về Hà Nội. Sau quá trình kiểm tra giấy tờ, đoàn xe tải đó được cho qua.

Vài ngày sau, trên báo đăng tin “kẻ cướp mặc áo công quyền” tố cáo cảnh sát trạm Ba La nhận mãi lộ. Sự việc sau đó đã được điều tra, trả lại sự nghiêm minh cho những chiến sĩ cảnh sát nơi đây.

“Sau hơn mười năm xảy ra vụ việc, tôi được biết đã có một kịch bản được chuẩn bị sẵn cho hành trình từ Điện Biên về Hà Nội”, sỹ quan Trịnh Văn Sỹ viết.

Câu chuyện thứ 13 về trạm cảnh sát giao thông Ba La là minh chứng cho những điều mà tác giả trăn trở về nghề công an. “Công an là con người. Vì thế không thể nói không có những người đã hành động sai. Lực lượng cảnh sát giao thông là lực lượng phải tiếp xúc trực tiếp với con người ngày ngày. Và mỗi người mỗi vẻ. Chẳng mấy ai bị cảnh sát giao thông xử lý lại vui vẻ cả. Đó cũng là lẽ thường tình… Có hai loại bẫy lúc nào cũng đặt trên những ngả đường mà mỗi cuộc đời đều phải đi qua. Đó là cái bẫy của những ham muốn tội lỗi ở trong chính mình và cái bẫy mà kẻ khác giăng ra hòng cho ta sa bẫy. Chẳng ai muốn cuộc đời phải bước qua những cái bẫy. Nhưng những cái bẫy đó đã làm cho con người thức tỉnh và lớn lên rất nhiều.”

Những chiến sĩ cảnh sát giao thông cùng công tác với Thượng tá Trịnh Văn Sỹ trong suốt 40 năm, có người hơn ông về tuổi nghề lẫn tuổi đời, có người mới chập chững bước những bước đầu tiên. Nhưng, từ cách họ sống với đồng nghiệp, cống hiến cho công việc, ông không chỉ soi bóng mình mà còn cho người đọc thấy được cả một lực lượng, một nghề vinh quang nhưng đầy những hiểm nguy, ẩn chứa nhiều góc khuất phía sau sắc phục cảnh sát.

Trong số những đồng nghiệp của tác giả, có Thượng tá Lê Đức Đoàn, người cảnh sát giao thông nổi tiếng trong lòng nhân dân Thủ đô, người trong câu chuyện thứ mười chín “Người đi qua cầu Chương Dương lúc nửa đêm” của cuốn sách.

5_zing_1_1

 Thượng tá Lê Đức Đoàn, người một anh, môt người đồng nghiệp của Thượng tá Trịnh Văn Sỹ tươi cười vẫy tay chào các lái xe buýt trong ca trực cuối cùng. (Ảnh: Zing)

Tác giả viết về Thượng tá Đoàn với một giọng văn đầy ngưỡng mộ: “Trong gần chín năm công tác tại phòng cảnh sát giao thông công an Hà Nội, trong đó có gần bảy năm phụ trách đội I”- nơi phía Nam cầu Chương Dương- “Nơi nắng nhất, nóng nhất vào mùa hè, cũng là nơi lạnh nhất, lộng gió nhất vào mùa đông. Nơi đây không có bốt cảnh sát, không có một bóng cây. Nếu được quyền chọn chắc chắn không dễ có cảnh sát giao thông nào sẵn sàng chọn nơi này ngoài những người như anh Đoàn.”

Người cảnh sát giao thông đã gắn với cây cầu Chương Dương từ khi mọi người đi qua chào mình là anh, rồi là bác, là bố, là ông, và thậm chí đến lúc có người chào là... cụ. Cho đến khi nghỉ hưu, ông đã có 18 năm đứng làm việc ở một nơi vất vả nhất, mang theo một tình yêu thiết tha với cây cầu, một lòng trắc ẩn sâu kín với con người, với cuộc đời.

Bên cạnh việc làm nhiệm vụ giữ trật tự giao thông cho người dân đi lại thuận tiện, ông còn cứu giúp 42 con người đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, quê quán khác nhau, vì lý do nào đó đã định nhảy cầu tự tử. Một người cảnh sát suốt đời đã làm nghề bằng một cái Tâm thiện, được nhân dân yêu quý...

Và một câu chuyện đặc biệt hơn cả, là “Ghi chép ở Đồng Tâm và cuộc giải cứu lòng tin”, với sự tĩnh lặng nội tâm cần thiết, để nhìn lại sự việc ở Đồng Tâm.

photo-1-1497353617716-0-0-447-719-crop-1497353645090 (1)

Cuộc giải cứu lòng tin ở Đồng Tâm được Thượng tá Trịnh Văn Sĩ ghi chép lại trong cuốn sách của mình.

Tác giả ghi chép một cách trung thực về sự việc Đồng Tâm, ngay từ những cử chỉ nhỏ nhất của người công an làm nhiệm vụ đến hành động nấu cơm cho các chiến sĩ bị giam trong nhà văn hóa của người dân nơi đây.

Để người đọc có thể đồng cảm và chia sẻ, khi chính người chiến sĩ cảnh sát “hoàn toàn tin rằng, nếu lãnh đạo Công an Hà Nội không đủ bình tĩnh, không đủ sáng suốt và không có một tấm lòng nhân văn thì câu chuyện mang tên Đồng Tâm sẽ đi sang một hướng khác và để lại những hậu quả khôn lường cho cả người dân và chính quyền”. 

Những nhận định sâu sắc kiểu chính luận khiến người đọc đặt niềm tin vào những gì mắt thấy tai nghe của chính tác giả, là người viết hồi ức, vốn chỉ nhằm kể lại và suy ngẫm về câu chuyện đi lại của thủ đô Hà Nội. 

Đến khi câu chuyện ấy đụng tới chuyện lòng tin của dân vào chính quyền, tác giả đã khảng khái tỏ rõ chính kiến của mình trong đánh giá lãnh đạo Công an Hà Nội, đã bình tĩnh, sáng suốt, nhân văn khi thực thi một việc rất khó là làm an lòng dân, vì biết chắc mất lòng dân là mất tất cả: “Cho đến lúc này, tôi tin chắc chắn rằng: Nếu đất nước này từ các làng quê đến những thành phố có những người lãnh đạo mang tấm lòng nhân văn, mang tư tưởng và hành động vì con người thì sẽ không có những câu chuyện buồn như câu chuyện Đồng Tâm.”

Không chỉ viết thẳng thắn về chuyện Đồng Tâm, nhiều dòng chữ trong hồi ức “Trên những ngả đường đời” được viết một cách chân thực, xúc động, chạm tới trái tim của người đọc. 

Ở câu chuyện cuối cùng “Thư gửi những người qua đường", người chiến sỹ cảnh sát giao thông mở đầu bằng lời cảm hứng khi tác giả nghe ca khúc Từ ngã tư đường phố của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ẩn sâu trong đó, tác giả yêu bài hát đó còn bởi sự thanh bình và đầy cảm hứng sống của con người thông qua những ngã tư đường. Và hơn thế nữa, là nơi ông và những người đồng đội hàng ngày cần mẫn dầm mưa dãi nắng, họ vui với niềm một của mọi người khi qua ngã tư không phải dừng lại lâu vì ùn tắc giao thông.

Trong suốt quãng thời gian làm cảnh sát giao thông của mình, người sỹ quan Trịnh Văn Sỹ đã chứng kiến bao đổi thay với phố xá đẹp hơn, nhà cửa hiện đại hơn, cửa hiệu tràn ngập hàng hóa, ô tô xe máy sang trọng hơn nhưng có một thứ theo ông rất ít thay đổi, đó là lối sống theo luật pháp của người Việt Nam.

Tác giả trăn trở, đó chính là điều mà tất cả chúng ta phải nhìn lại, phải suy nghĩ, phải tự chất vấn mình và phải hành động khác đi để xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Ông mong muốn ngã tư đường sẽ trở thành khát vọng về cuộc sống thanh bình và hạnh phúc.

Trải dài trên 300 trang sách, những câu chuyện của người trong cuộc được sắp xếp theo trình tự thời gian có sức mạnh lôi cuốn người đọc tới tận những dòng chữ cuối cùng: “Xin kính chúc mọi người thượng lộ bình an.”

Đó là cách chia sẻ tốt nhất với điều mà tác giả cuốn sách nói: "Tôi không muốn tuyên truyền hay tạo ảo tưởng, mà đơn giản chỉ để chia sẻ những gì đã trải qua”...

Mỹ Hạnh
Bình luận
vtcnews.vn