• Zalo

Phi công xin nghỉ việc hàng loạt, đề xuất của Vietnam Airlines có hợp lý?

Kinh tếThứ Hai, 12/01/2015 01:50:00 +07:00Google News

Trước việc nhiều phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines xin nghỉ việc, hãng hàng không này gửi kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải

(VTC News) - Trước việc nhiều phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines xin nghỉ việc, hãng hàng không này gửi kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải, tuy nhiên, kiến nghị này có hợp lý hay không?

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, dịp Tết dương lịch vừa qua, khoảng 100 người gồm: phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật thuộc Đoàn bay 919 báo ốm tăng bất thường.

Số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, việc này gây xáo trộn lịch bay và ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.

Theo Vietnam Airlines, đây là hiện tượng lãn công tập thể thông qua lý do báo ốm có sự chuẩn bị trước, đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Vietnam Airlines
Nhân viên Vietnam Airlines xin nghỉ hàng loạt gây xôn xao dư luận 

Vietnam Airlines cho rằng, các phi công này có thể muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác. Do vậy, hãng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020; kiến nghị Cục Hàng không không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc chuyển nơi khác.

Tuy nhiên, các phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines cho rằng, họ bị ép bay như công nhân làm việc.

Cụ thể, các phi công này làm việc đến 23 ngày/tháng (nghỉ thứ Bảy và chủ Nhật), lương 2.500 USD/tháng, trong khi ở hãng hàng không VietJet, phi công chỉ làm việc 15 ngày/tháng nhưng mức lương lên đến 7.500 USD/tháng.

Ngoài ra, theo các phi công này, sau 5 năm mà nhiều phi công chưa được tăng lương. Trong khi đó, mức lương mà hãng Vietjet Air đang trả cho phi công cùng trình độ cao gấp 2,5 lần, thời gian làm việc ít hơn.

Theo công bố của Vietnam Airlines trước khi thực hiện IPO, mức lương trung bình dành cho phi công trong năm 2013 là 74,8 triệu đồng/tháng, vị trí tiếp viên là 18,7 triệu đồng/tháng.

Trước đề xuất này của Vietnam Airlines, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chỉ thị yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với các lao động kỹ thuật cao của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Vì điều này tạo ra xáo trộn, suy giảm nguồn nhân lực kỹ thuật cao của tổng công ty, tác động trực tiếp đến việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã có chỉ thị yêu cầu Vietnam Airlines rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao cùng các chế độ đãi ngộ khác để giữ chân người lao động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy hiếp hoạt động bay của Tổng công ty. Thời hạn hoàn thành trong quý I năm nay.

Điều khiến dư luận quan tâm là kiến nghị của Vietnam Airlines lên Bộ Giao thông vận tải có phải là hợp lý không khi chế độ của Vietnam Airlines không phù hợp khiến người lao động muốn chuyển vị trí công tác khác?

Liên quan đến kiến nghị này của Vietnam Airlines, luật sư Bùi Quang Hưng - Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự cho biết, Vietnam Airlines là một doanh nghiệp nhà nước, vì vậy việc người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động để chuyển đi một đơn vị khác là chuyện bình thường.

Các thủ tục để chấm dứt sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và hợp đồng lao động ký giữa người lao động và Vietnam Airlines.

"Theo tôi được biết, chi phí đào tạo của Vietnam Airlines là khá cao, nên việc chấm dứt hợp đồng lao động, các phi công có thể sẽ chịu phạt một số tiền lớn. Tuy nhiên, việc tiếp tục hay chấm dứt lao động là quyền của người lao động", luật sư Hưng nói.

Về việc Vietnam Airlines cho rằng, đây là hiện tượng lãn công tập thể, ông Hưng cho biết, Vietnam Airlines cần phải có căn cứ cụ thể. Khi có các bằng chứng, Vietnam Airlines có quyền phản đối, khiếu nại, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Liên quan đến Nghị quyết số 09 ngày 6/1/2015 của Vietnam Airlines về  việc phi công đoàn bay 919 báo ốm tăng bất thường trong dịp Tết dương lịch, hội đồng thành viên Vietnam Airlines cũng kiến nghị: các hãng hàng không nội địa chỉ  được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (phi công, kỹ sư, máy bay, điều hành khai thác bay, tiếp viên).

Cục hàng không xem xét không chấp thuận các hãng hàng không lôi kéo, vận động, chuyển dịch lao động đặc thù giữa các hãng hàng không Việt Nam trong thời hạn từ nay đến hết năm 2020; cho đến khi cấp có thẩm quyền có quy định mới; Không cấp bằng, chứng chỉ đối với các phi công, kỹ sư máy bay,  điều hành khai thác bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác.

Căn cứ các quy định pháp luật và chính sách về phát triển thị trường hàng không hiện hành thì Nghị quyết của Vietnam Airlines đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; quyền được tự do làm việc và lựa chọn việc làm của người lao động; thậm chí có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gây cản trở đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.

“Trường hợp có sự dịch chuyển lao động từ hãng hàng không này sang hãng hàng không khác là hoàn toàn xuất phát từ quyết định mang tính cá nhân của mỗi người lao động. Nếu có sự tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp những người đang làm trong các hãng khác để quyết định việc làm việc nơi này hay nơi khác thì đó cũng là quyền riêng tư của mỗi người, không thể quy kết đó là do có hành vi dụ dỗ, lôi kéo từ các hãng hàng không khác.  

Vietnam Airlines chỉ có quyền phản đối, khiếu nại, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có đủ căn cứ cho rằng các hãng hàng không khác có chủ trương, quyết định thu hút, lôi kéo lao động từ Vietnam Airlines sang làm việc cho các hãng hàng không khác và các chủ trương, chính sách đó được thực hiện bởi những người đại diện có thẩm quyền của các hãng hàng không khác.

Nếu không có các cơ sở để chứng minh rõ ràng như vậy thì nội dung Nghị quyết đã vi phạm nghiêm trọng quy định luật cạnh tranh bằng việc trực tiếp đưa những thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của các hãng hàng không khác”, luật sư Lê Đình Vinh, đoàn luật sư Hà Nội bình luận.

Còn về quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng, theo luật sư Hưng là hợp lý vì Bộ trưởng chỉ yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận để tránh xảy ra sự xáo trộn, ảnh hướng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt, trong thời gian này Vietnam Airlines sẽ phải điều chỉnh việc tăng lương cho phù hợp.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn