• Zalo

Phi công Nguyễn Văn Bảy bình dị đời thường, khi cất cánh gây bao nỗi kinh hoàng cho phi công Mỹ

Thời sựThứ Sáu, 27/09/2019 07:12:00 +07:00Google News

“Ông Bảy là người bình dị trong đời thường, nhưng khi cất cánh lên bầu trời thì gây bao nỗi kinh hoàng cho phi công Mỹ", giảng viên của Quân chủng PKKQ chia sẻ.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy - người từng bắn rới 7 máy bay Mỹ, từ trần tại Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) vào 21h ngày 22/9. Ông Bảy hưởng thọ 84 tuổi. 

Sáng 26/9, lễ truy điệu tiễn đưa đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy về quê nhà được tổ chức trọng thể tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (TP.HCM). Khi linh cữu phi công Nguyễn Văn Bảy chưa về tới quê nhà, người dân Đồng Tháp có mặt tại UBND huyện Lai Vung để chờ đón người anh hùng trở về với quê mẹ. Hôm nay, linh cữu ông sẽ được đưa về căn nhà ông sinh sống lúc cuối đời.

Bac Bay

 Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy luôn là tấm gương sáng về tài năng và đức độ đối với thế hệ trẻ ngày nay.

Sự ra đi của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy khiến các thế hệ phi công trẻ Việt Nam xúc động, xót xa. Chia sẻ với VTC News về sự ra đi của anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, Thượng tá Ngô Sỹ Minh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 925, Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết: “Bác Bảy ra đi là một mất mát lớn cho các thế hệ phi công quân sự Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn ghi nhớ và khắc ghi tấm gương anh dũng của người phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy”.

Phi công Nguyễn Văn Bảy từng giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, là đơn vị mà Thượng tá Ngô Sỹ Minh đang công tác. Tên tuổi và kinh nghiệm chiến đấu của anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy luôn được các sỹ quan, phi công trẻ phân tích, học tập.

Trong những ngày làm việc tại đơn vị, phi công Nguyễn Văn Bảy luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy và làm việc cống hiến hết mình cho đất nước.

Thế hệ phi công chúng tôi hôm nay nguyện tiếp tục phấn đấu, tô thắm thêm những trang sử hào hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam”, Thượng tá Ngô Sỹ Minh nói.

bac bay chup anh voi phi cong tre

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy chụp ảnh lưu niệm với học viên, phi công trẻ tại Trường Sĩ quan Không quân.  

Dù biết tin về sức khỏe của phi công Bảy từ tuần trước nhưng Thượng tá Nguyễn Công Trang, giảng viên bay Trường Sĩ quan Không quân (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân) vẫn không giấu được nỗi buồn trước sự ra đi của vị tiền bối.

Cá nhân tôi và anh em giảng viên, học viên bay Trường Sĩ quan Không quân rất buồn khi nghe tin Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã đi xa. Bác Bảy và thế hệ phi công đi trước luôn là những tấm gương sáng về sự mưu lược, dũng cảm, đạo đức cách mạng cho lớp phi công trẻ học tập và noi theo”, vị giảng viên bay này tâm sự.

Thượng tá Nguyễn Công Trang cho biết, hôm 20/8, nhân kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống của Trường Sĩ quan Không quân, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy còn đến dự và nói chuyện. Nhiều cán bộ sỹ quan và phi công của nhà trường rất háo hức đến thăm hỏi và được nghe những lời dặn dò của bác.

Hôm về thăm trường, phi công Nguyễn Văn Bảy còn rất khỏe và minh mẫn. Ánh mắt của người anh hùng áo vải vẫn rất sâu sắc và tinh anh, nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi, khiến cho lớp phi công trẻ rất quý mến. Nhiều phi công trẻ hào hứng đến xin chụp ảnh kỉ niệm với một huyền thoại sống của Không quân Việt Nam.

Nhiều bạn học viên bay của trường Sỹ quan Không quân lần đầu tiên được gặp phi công Nguyễn Văn Bảy, tỏ ra rất phấn khởi và vui mừng.

"Trong bài giảng trên lớp, họ chỉ được nghe kể về người phi công hạng "Ace" (bắn rơi ít nhất 5 máy bay) của Không quân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giờ được bắt tay, nói chuyện với huyền thoại, đó là niềm vinh dự và tự hào", Thượng tá phi công Nguyễn Công Trang xúc động kể lại.

Video: Lão nông 82 tuổi từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ kể chuyện 'vừa chạy vừa đánh'

Theo lời kể của vị giảng viên, phi công Nguyễn Văn Bảy năm nay đã 84 tuổi, nhưng da dẻ hồng hào, bước đi mạnh mẽ, người hơi gầy, nhưng quắc thước và rắn rỏi. Đặc biệt, giọng nói của người lính huyền thoại vẫn sang sảng, kể chuyện rất dí dỏm về những kỉ niệm chiến đấu, về đồng đội và những năm tháng binh nghiệp.

Các học viên trẻ rất thích thú khi nghe vị phi công huyền thoại kể lại những lần xuất kích, bắn hạ máy bay F-4, F-8 của Không quân Mỹ.

Người lính già truyền cảm giác tự hào khi được lái chiếc máy bay hiện đại của lực lượng không quân Việt Nam, cảm giác xúc động được bay trên bầu trời Tổ quốc, chiến đấu chống lại kẻ thù, bảo vệ quê hương đất nước.

Giọng nói của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy rất chậm rãi, mang phong cách Nam Bộ, khiến cho không khí buổi nói chuyện diễn ra ấm áp và thấm đượm cảm xúc. Ẩn chứa trong thân hình giản dị ấy là một trái tim nhiệt huyết cách mạng, tràn đầy tình yêu thương dành cho đồng đội, cho quê hương, đất nước.

Phi công Nguyễn Văn Bảy là một con người bình dị, mộc mạc trong đời thường, nhưng khi cất cánh lên bầu trời, thì gây ra bao nỗi kinh hoàng cho phi công Mỹ. 

Sự ra đi của bác Bảy là niềm tiếc thương, mất mát lớn của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam. Nhưng, tên tuổi của bác Bảy sẽ còn mãi trong trang sử hào hùng của lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng”, Thượng tá Nguyễn Công Trang xúc động chia sẻ.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính. Ông sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17. Tháng 4/1965, ông hoàn thành lớp đào tạo, tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.

Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES.

Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.

Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP.HCM. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009 gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nông.

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn