Không hiểu sao, tôi có duyên với phi công, đặc biệt là phi công máy bay chiến đấu. Có thể vì từ bé tôi đã mê mẩn những chiếc chiến đấu cơ dũng mãnh, đặc biệt là máy bay chiến đấu dòng Sukhoi và MiG (mô hình) của Liên Xô.
Hồi đó, chú tôi là lính kỹ thuật sửa máy bay chiến đấu đã tự tay làm những chiếc MiG, Sukhoi bằng đủ loại chất liệu mang về quê để chúng tôi có cơ hội chiêm ngưỡng, mê mẩn.
Sau này lớn lên, đi làm, có điều kiện tiếp xúc, làm bạn với các phi công máy bay chiến đấu, tôi càng cảm thấy có điều gì thật gắn bó, thật khâm phục họ. Tôi thường đắm mình trong những câu chuyện họ kể về cái bao la của bầu trời, về cảm giác tự do, khoáng đạt, cảm giác chinh phục khi điều khiển con chim sắt khổng lồ với những thiết bị tối tân bay huấn luyện hay tuần tra bảo vệ bình yên vùng trời Tổ quốc.
Thầm ghen tỵ với các anh. Phải rồi, không ghen sao được. Hình ảnh người lính trong trang phục phi công oai phong, lẫm liệt leo lên chiếc máy bay chiến đấu khổng lồ đẹp mã, lại đã có thợ máy chuẩn bị mọi khâu, chỉ cần ngồi vào khởi động rồi điều khiển nó lao vút lên bầu trời bao la, ai mà chẳng mê đắm. Chỉ tội, số người làm được và được làm việc ấy quá ít ỏi, có thể kể tên được từng người.
Hình ảnh người lính trong trang phục phi công oai phong, lẫm liệt leo lên chiếc máy bay chiến đấu khổng lồ đẹp mã, lại đã có thợ máy chuẩn bị mọi khâu, chỉ cần ngồi vào khởi động rồi điều khiển nó lao vút lên bầu trời bao la, ai mà chẳng mê đắm.
Một trong những phi công tôi hay được tiếp xúc là tướng quân Võ Văn Tuấn - người được xem là phi công máy bay chiến đấu giỏi nhất thời hậu chiến. Trong quân đội, ông là Thượng tướng, từng giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng, nhưng ngoài đời, ông luôn là một người lịch lãm, quảng đại và đầy chất nghệ sỹ.
Có phải cái khoáng đạt của bầu trời bao la, cái cảm giác tự do giữa cao xanh, một mình chinh phục con chim sắt hiện đại tối tân, kết hợp với nhau thành sức mạnh phi thường để bảo vệ bình yên cho giang sơn, Tổ quốc mình ở dưới cánh bay đã làm nên sự khoáng đạt, lãng mạn và nghệ sỹ ấy, giống như các đồng nghiệp khác của ông mà tôi từng tiếp xúc? Có lần tôi hỏi tướng quân như thế.
“Ngồi trên máy bay, nhìn xuống phía dưới, tâm hồn của con người khi đó sẽ khác hẳn khi đứng dưới mặt đất”, ông bảo vậy.
“Khi vào trận chiến, mọi tâm sức của phi công đều tập trung vào nhiệm vụ nhưng những lúc bay huấn luyện, bay trong những điều kiện tốt, phi công có cơ hội để ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên. Điều này dĩ nhiên tác động đến tâm hồn của họ”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng nói với tôi rằng khi người phi công xem đá bóng, múa hát hay diễn xiếc, họ có thể trầm trồ trước những động tác điêu luyện của người mình đang theo dõi. Tuy nhiên, các nghệ sỹ đó chắc chắn cũng không thể không ngưỡng mộ khi các phi công thực hiện được những bài bay khó, động tác nhào lộn độc đáo trên không. Ở một mức giao thoa nào đó, họ đều là những nghệ sỹ.
Nhưng nghệ sỹ giữa họ cũng có những điểm rất khác nhau. Trong khi nghệ sỹ dưới mặt đất thoả sức sáng tạo thì ngoài sự lãng mạn, phi công máy bay chiến đấu phải điềm tĩnh, bản lĩnh, khoa học, chuẩn mực, điêu luyện trong những động tác xử lý của mình.
Ông Tuấn bảo rằng do đặc thù công việc, tác chiến đa phần độc lập, thường xuyên trong tình trạng "chân không đến đất, cật không đến trời", điều khiển những chiến cơ khổng lồ với nhiều động tác phức tạp, những điều này đem đến sự tự tin và tính độc lập cho người phi công.
Ví dụ như, nếu hạ cánh 1.000 lần thì sẽ có 1.000 tình huống khác nhau, không lần nào giống nhau. Khi đó, người phi công phải đưa máy bay vào chuẩn mực cho phép để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Mỗi phi công khi hạ cánh đều tự hỏi, làm sao để cải thiện được khả năng bay của mình, để chuyến sau tốt hơn chuyến trước. Cách bay cũng như tính cách, không ai giống ai và từ đó, sự sáng tạo của mỗi người cũng khác nhau.
Vấn đề là, làm sao để các phi công có thể sáng tạo ra những bài bay thích hợp nhất với khả năng của từng máy bay, khai thác hết tính năng của máy bay.
Và khi đó, có thể nói họ sẽ trở thành những nghệ sỹ, tự vượt qua được những tiêu chuẩn khoa học. “Có những người không may gặp nạn, có thể do họ đang tự tìm tòi, để sáng tạo ra những đường bay khó hơn, hiệu quả hơn trong tác chiến,” tướng quân bộc bạch.
Vậy đấy. Những con người giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau tích tắc, họ vẫn lãng mạn, vẫn sáng tạo để thuần thục hơn với con chim sắt khổng lồ của mình, bảo vệ bình yên giang sơn, bầu trời Tổ quốc.
Video: Su-30mk2: "Hổ mang chúa" của Không quân Việt Nam
Bình luận