Video: Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay Mỹ
21h ngày 22/9, anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (84 tuổi) từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng. Trong thời gian ông Bảy nhập viện, nhiều cựu binh Mỹ đã gửi lời thăm hỏi, tỏ lòng kính trọng với vị phi công anh hùng huyền thoại của Việt Nam và thế giới.
Đến thăm nhà trước thời gian cụ đổ bệnh, phóng viên VTC News nhớ như in hình ảnh cụ ông tóc bạc quá nửa đầu, tay cầm mớ lưới, ngoi lên từ mặt ao khi biết có người tới chơi nhà tại ấp nghèo Hậu Thành (xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).
Ngôi nhà đơn sơ nằm giữa ruộng sen, ao cá khiến chúng tôi bất ngờ tự hỏi: "Nhà của đại tá phi công anh hùng đây ư?"
Hỏi chuyện chưa quá năm câu, cụ xua tay: "Cũng trưa rồi, nói chuyện thì để vừa làm vừa nói, giờ ông đi bắt ít ốc với cá lên nấu bữa trưa cho tụi bây ăn. Cá nhà ông béo lắm, ốc thì nhiều". Nói rồi, cụ cầm vội chiếc xô nhỏ, chèo thuyền qua ao cá đối diện để tìm nguyên liệu chuẩn bị cho bữa trưa.
"Nằm mơ cũng không dám nghĩ được học lái máy bay"
Nguyễn Văn Bảy là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES, một danh hiệu có từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.
Năm 17 tuổi, Nguyễn Văn Bảy bị ba mẹ ép cưới vợ. Không muốn lập gia đình sớm, chàng trai trốn ba mẹ tham gia cách mạng và đến năm 1960 thì nằm trong số rất ít người được chuyển từ sư đoàn bộ binh sang không quân, rồi được chọn đi học lái máy bay.
Lúc đám cưới (tháng 4/1966) mới diễn ra được 45 phút thì có báo động, tôi phải tức tốc lên máy bay đi chiến đấu, thế là bỏ bà ấy mặc nguyên đồ cưới làm lễ một mình.
Phi công Nguyễn Văn Bảy
Tay chèo thuyền, cụ Bảy cười khà khà khi kể lại những ngày tháng học lái đầu tiên: "Cái hồi được tuyển tôi cao 1m67, nặng chưa đầy 70kg. Gia đình nông dân nghèo rách khố nên nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ là mình được đi học lái máy bay. Hồi ấy, để được học lái máy bay, ít nhất cũng phải xong lớp 10/10 (tương đương lớp 12 hiện nay), trong khi tôi mới học tới lớp 3.
Vì vậy, đúng vỏn vẹn một tuần học văn hóa theo phương châm 'cần gì học đó', tôi hoàn thành 7 lớp học còn lại. Khi thi qua phần lý thuyết cơ bản lái máy bay trong nước, tôi được điều sang Trường Hàng không số 3, nơi đào tạo lái máy bay tốt nhất nhì của Trung Quốc bấy giờ để học lái.
Thời điểm đó, đoàn học viên của Việt Nam được đào tạo lái máy bay MiG17 chỉ có 34 người, ấy vậy mà tôi được lọt vô".
Nói về cách hạ máy bay địch, cụ Bảy như sống lại phút giây hào hùng. Giọng mạnh mẽ, cụ nhớ lại: "Cái năm 1965, người Mỹ bị chấn động khi những chiếc MiG17 đời cũ của không quân Việt Nam bay chậm hơn nhưng lại bắn hạ được máy bay tiêm kích, ném bom F105 tốc độ cao của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
Hồi đấy máy bay tiêm kích, ném bom tầm xa siêu lắm, có thể hoạt động trong mọi thời tiết, ai cũng sợ. Thế mà họ vừa đưa vào chiến đấu tại Việt Nam thì ngay lập tức trở thành nạn nhân của MiG17. Hồi đó tôi bắn rơi mấy cái.
Máy bay Mỹ toàn loại siêu đẳng, nên muốn đánh thắng chúng thì ta phải có cách riêng của mình. Lần đầu tiên tôi cất cánh tấn công máy bay Mỹ là 10h ngày 19/6/1965. Do tôi chưa có kinh nghiệm, mà lúc đó máy bay Mỹ lại đông nên chúng áp đảo và bắn máy bay tôi bị thương. Thế mà tôi vẫn lái máy bay hạ cánh an toàn đấy. Vụ đó các chuyên gia quân sự Liên Xô và đồng đội nể phục tôi lắm".
Sau đó, rút kinh nghiệm từ đợt đánh đầu tiên, cụ Bảy đã áp dụng cách đánh mới.
"Biết chiêu của địch rồi nên mình phải dùng chiêu đối phó, đó là phải áp sát máy bay địch mà đánh. Vì máy bay của chúng to, hiện đại hơn, bay nhanh và trang bị súng đạn nhiều hơn, trong khi MiG17 của mình chỉ có 3 khẩu pháo với 200 viên đạn. Bởi vậy phải tiếp cận gần và mạo hiểm thì mới thắng được, thế là mỗi lần tôi siết cò, một máy bay Mỹ ra đi", cụ Bảy kể chi tiết như vẫn còn sống trong những ngày tháng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
"Từ nhỏ tới lớn, tôi toàn chăn bò, rồi cưỡi bò đua với mấy đứa bằng tuổi trong làng, tôi toàn thắng không à. Cái hồi đấy nhà nghèo nứt vách, cứ thấy xe hơi chạy trên đường là nguyên đám con nít chạy theo, hít khói khen thơm quá. Lúc đó, cả đám chỉ ước gì trong cuộc đời được một lần ngồi xe hơi. Rồi cái lúc xe đạp còn chưa biết đi, bỗng nhiên lại được đưa đi nước ngoài học lái máy bay, sướng lắm", cụ hào hứng kể lại.
Bỏ cả cô dâu trong đám cưới để lên máy bay
Nói về lý do trở thành lão nông thứ thiệt, phi công huyền thoại kể, cụ bắt đầu nghỉ hưu năm 1990 và được đơn vị cấp đất ở tại TP.HCM. Sống ở đó một thời gian, cụ cảm thấy bí bách không hợp nên quyết định về thị trấn Lai Vung đào ao nuôi cá. Một thời gian sau, vùng đất này cũng bị đô thị hóa nên cụ Bảy giao nhà cho con gái và cùng vợ về nơi chôn nhau cắt rốn ở ấp Hậu Thành, dựng cái chòi bên bờ ao nuôi cá, trồng lúa, chăn heo.
Nông trại nhỏ của vợ chồng cụ luôn tươi tốt, cá béo, lúa thì trĩu bông. Nhắc đến thím Bảy (cụ Trần Thị Niên, cũng người Lai Vung), lão nông anh hùng kể luôn câu chuyện cưới hỏi đặc biệt của hai người.
"Bà ấy là học sinh miền Nam, còn tôi học phi công ở sân bay Cát Bi - Hải Phòng. Lúc đó đến tuổi lấy vợ, mà tôi thì thích lấy vợ cùng quê, trong khi học ngoài Bắc thì toàn gái Bắc. Thế là tôi đi tìm danh sách học sinh vùng đó, thấy có bà ấy cùng quê, và rồi bắt đầu gặp rồi nói yêu và xin cưới. Lúc đám cưới (tháng 4/1966) mới diễn ra được 45 phút thì có báo động, tôi phải tức tốc lên máy bay đi chiến đấu, thế là bỏ bà ấy mặc nguyên đồ cưới làm lễ một mình".
Vừa kể, cụ vừa nhanh nhẹn vào bếp chuẩn bị bữa trưa, khăng khăng mời khách lạ thưởng thức tài nấu nướng của mình: "Nhà tôi thì có gì ăn nấy, cá bắt dưới áo, rau hái ngoài vườn. Còn về độ ngon thì khỏi bàn. Hồi chiến đấu, tôi còn nấu cho cả 200 quân ăn mà, nấu cho cả nhà hàng nữa đó".
Một ngày của cụ cứ thế tuần hoàn, sáng dậy sớm cho gà, cho cá ăn, sau đó lội ao gỡ lưới, chèo thuyền hái sen... và thoắt cái đã đến trưa. Ăn uống xong, cụ nghỉ xem phim đến đầu giờ chiều rồi lại tiếp tục công việc như buổi sáng.
"Nhiều người thấy tôi suốt ngày lặn ngụp dưới ao, bắt cá rồi hái sen, họ tưởng Nhà nước không đãi ngộ gì tôi rồi thương tôi. Nhưng đâu có đâu, Nhà nước vẫn trả lương cho tôi đầy đủ, đi họp hay đâu đó vẫn cho xe tới tận đây rước tôi.
Tại là tôi không quen và không thích sống ở thành thị, suốt ngày ngồi trong nhà cà phê, đọc báo, có vậy thôi thì chán lắm, không lao động lại nhanh chết nữa", cụ Bảy cười hiền.
Đối với cụ Bảy, cuộc sống hạnh phúc và viên mãn nhất khi được cùng người vợ đầu ấp tay gối nhìn nhau già đi, được làm những gì mình thích, con cái lớn không không phải lo nghĩ gì. Và giống như tất cả những người đang ở cái tuổi xế chiều, cụ mong muốn có sức khoẻ tốt để được gắn bó với con cháu dài lâu hơn.
Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính. Ông sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông tham gia cách mạng, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tại ngũ trong đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ra miền Bắc.
Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Trước đó, do học chưa hết lớp 3, ông phải học ở Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn và được phổ cập một lèo từ lớp 4 lên lớp 10. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17. Tháng 4/1965, lớp đào tạo hoàn thành tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.
Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES; được kết nạp Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 4 năm 1966, ông tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Niên là đồng hương, học sinh miền Nam tập kết ở sân bay Cát Bi.
Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.
Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.
Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và làm nhiệm vụ tại Campuchia.
Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP.HCM. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009, gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nông.
Bình luận