Theo các bác sĩ, tai nạn bỏng cồn xảy ra cách đây hai năm khiến bé Nguyễn Duy Tùng (9 tuổi, ở Hà Nội) bị bỏng rộng và sâu tại vùng cổ-mặt. Khi đó bé đã được điều trị bằng ghép da tại Viện Bỏng và cho kết quả tốt.
Tuy nhiên, một năm trở lại đây, sẹo bỏng lớn bỗng lồi lên, co kéo, gây đau và biến dạng vùng mặt của bé. Không những thế việc vận động xoay cổ, nghiêng cổ của Tùng cũng bị hạn chế và gây đau đớn.
"Những khiếm khuyết chức năng và thẩm mỹ này gây sang chấn tâm lý không nhỏ, khiến Tùng luôn mặc cảm khi giao tiếp với bạn bè"- người nhà bé cho biết
Gia đình đã đưa bé Tùng đến khám và tư vấn phẫu thuật tại Khoa Sọ mặt – Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương. ThS BS Đặng Hoàng Thơm – Trưởng Khoa Sọ mặt – Tạo hình cho biết, bệnh nhân Tùng có vết sẹo bỏng lồi rất lớn, kích thước 20×20 cm chạy từ vai, cổ đến mặt, gây co kéo biến dạng vùng này. Các bác sĩ đã chỉ định mổ cắt bỏ sẹo di chứng bỏng và phẫu thuật tạo hình che phủ tổn khuyết lớn vùng cổ mặt cho cháu Tùng.
Dự báo khuyết hổng sau cắt bỏ sẹo bỏng sẽ lớn hơn rất nhiều so với kích thước sẹo trước mổ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã cân nhắc kỹ lưỡng, tìm phương án chuẩn bị đủ lượng da để đóng tổn khuyết từ trước khi phẫu thuật cắt bỏ sẹo. Chất liệu tạo hình che phủ cũng cần có màu sắc, độ dày tương đồng với vùng da lành xung quanh vết bỏng.
Theo ThS. BS Đặng Hoàng Thơm, kíp mổ đã phân tích kỹ lưỡng ưu nhược điểm của từng phương pháp phẫu thuật có thể áp dụng cho bệnh nhi như đặt túi giãn tổ chức, ghép da dày từ vùng bụng hay sử dụng vạt vi phẫu.
Cuối cùng, phương pháp giãn tổ chức được đặt lên hàng đầu, với ưu điểm cung cấp lượng da và tổ chức đủ lớn, màu sắc tương đồng, độ dày mỏng phù hợp và thần kinh chi phối cảm giác tốt. Theo các bác sĩ đây là phương pháp sinh lý nhất đối với bệnh nhi.
Việc phẫu thuật để điều trị sẹo cho cháu Tùng được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, bệnh nhi được đặt hai hệ thống túi giãn da và tổ chức tại các vùng xung quanh sẹo bỏng (cổ, vai, ngực).
Bốn tuần sau đặt túi, các bác sĩ tiến hành bơm giãn túi từ từ: 5 ngày – 1 tuần/ lần, mỗi lần 30-50 ml. Sau 15 lần bơm giãn, bệnh nhi đã có lượng da như mong muốn với thể tích túi 1 là 700 ml và túi 2 là 450 ml.
Sau khi chuẩn bị xong nguồn da ghép, các bác sĩ bước sang giai đoạn hai là tháo bỏ hệ thống túi giãn da tổ chức, cắt toàn bộ sẹo co kéo lồi vùng mặt và cổ, tạo nên khuyết hổng kích thước 20 X 25cm. Tiếp theo là tạo hình các vạt giãn tổ chức để che phủ các vùng cổ vai, cổ cằm, ngực, ưu tiên số một cho vùng mặt.
Được biết, việc chuẩn bị nguồn da ghép bằng phương pháp giãn da tổ chức có nhiều ưu điểm, cho phép huy động da và tổ chức lành còn lại xung quanh thương tổn sẹo bỏng co kéo.
Nguồn da này đảm bảo tính tự nhiên, với màu sắc, độ co giãn, độ dày và thần kinh cảm giác giống như da hàm mặt ban đầu của bệnh nhi.
“Hai tuần sau mổ, vạt giãn tổ chức sống tốt, màu sắc da tương đồng, đầu và cổ có thể vận động xoay, nghiêng dễ dàng và đặc biệt không đau. Hiện cháu Tùng đã có thể đi học trở lại và tự tin hòa nhập cùng các bạn” – Ths. BS Đặng Hoàng Thơm cho hay.
Bình luận