• Zalo

Phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nhật

Thế giớiThứ Năm, 08/06/2017 15:47:00 +07:00Google News

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc diễn ra từ ngày 4-8/6 vừa qua được xem là một dấu mốc mới trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.

Trong 4 ngày của chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một lịch trình dầy đặc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chào xã giao nhà Vua và Hoàng Hậu, hội kiến với Chủ tịch Lưỡng viện, Chủ tịch Đảng liên minh cầm quyền Công Minh, tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn của Nhật Bản như Mitsubishi, Mazda, Sumimoto, Canon…

Ngoài ra, Thủ tướng đã gặp gỡ đại diện tổ chức JICA và lãnh đạo nhiều địa phương của Nhật Bản, tham dự diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á... 

Phát triển toàn diện, sâu rộng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển. Những thành quả đầy ấn tượng của hợp tác trong suốt 44 năm qua là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ để đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới toàn diện, hiệu quả và sâu rộng.

Quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được nâng cấp trong hơn một thập kỷ qua, từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài (4/2002), tiếp đến là Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á (4/2009) và sau đó được nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (3/2014).

'Nam chat tay nhau de thuc day hop tac manh me' hinh anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào thực chất, trên cơ sở lợi ích chiến lược tương đồng. Quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và có sự tin cậy cao.

Tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe lần này, hai nhà lãnh đạo đã đạt đồng thuận về những phương hướng, biện pháp để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Thực tế cho thấy lãnh đạo cấp cao hai nước đã duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Các Thủ tướng Nhật Bản như Junichiro Koizumi, Naoto Kan và Shinzo Abe đều đã thăm chính thức Việt Nam. Ngược lại, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam cũng đã có các chuyến thăm Nhật Bản, như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…

Hồi tháng 3 năm nay, Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản có chuyến thăm Việt Nam và được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử, là một mốc quan trọng, mang tính biểu tượng cho quan hệ hai nước.

Bản thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào tháng 1/2013 và là lãnh đạo đầu tiên trong các nước G7 mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. 

Ngoài các chuyến thăm cấp cao thường xuyên của lãnh đạo hai nước, Việt Nam và Nhật Bản cũng duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại như Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007; Đối thoại Đối tác chiến lược Việt-Nhật về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2010; Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng từ năm 2012; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng từ năm 2013. Việt Nam và Nhật Bản ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc (LHQ), ASEAN, APEC, ASEM, Hội đồng nhân quyền LHQ... Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2016-2017.

Quan hệ quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản cũng đang phát triển tích cực. Mối quan hệ này diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều biến động.

Việt Nam và Nhật Bản có những mối quan tâm chung về hòa bình, ổn định và phát triển và cũng có những mối quan ngại chung về những tình hình gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định hòa bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định, phát triển của Việt Nam và Nhật Bản nói riêng. 

Trong cuộc gặp lần này giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, các bên liên quan không có những hành động đơn phương, bao gồm quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp tại Biển Đông.

Các nước cần thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ những tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có hiệu lực.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển, thông qua việc cung cấp những chiếc tàu tuần tra mới cho Việt Nam.

Đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 14 văn kiện ký kết. Hai thủ tướng cũng đã có buổi gặp gỡ báo chí chung, thông báo những kết quả chính trong cuộc hội đàm, nhấn mạnh việc hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới, đặc biệt là việc tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, cũng như hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo.

Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của mối quan hệ song phương Nhật – Việt, Nhật Bản quyết tâm đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam với những công nghệ, kinh nghiệm vượt trội của Nhật Bản và qua đó, tạo ra cơ hội kinh doanh mà hai bên cùng có lợi.

Có thể khẳng định, chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp.

Chuyến thăm này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, đồng thời sẽ góp phần tạo ra một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm tới đây.

Hoa Hải
Bình luận
vtcnews.vn