Mặc dù Nhà nước, các Bộ ngành, địa phương rất nỗ lực trong việc triển khai nhiều giải pháp với các công cụ hỗ trợ khác nhau để thúc đẩy, phát triển thị trường KHCN thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý cơ bản, song, trên thực tế, so với mục tiêu hướng đến, việc xây dựng và phát triển thị trường này còn nhiều rào cản dẫn đến những hạn chế nhất định.
Trong đó, hạn chế lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu vắng của những cơ chế khuyến khích, hình thành và phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường.
Để giải quyết các vướng mắc hiện có, sàn giao dịch công nghệ là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định, hạt nhân, là nơi hội tụ của cung – cầu và các hoạt động trung gian của thị trường như môi giới, tư vấn, thẩm định, giám định, chuyển giao công nghệ, định giá công nghệ…
"Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 20 sàn giao dịch công nghệ, nhưng chưa có một sàn nào có đầy đủ các công cụ hỗ trợ và mức độ tự chủ của những sàn này còn khá khiêm tốn”, ông Hiến nhận định. Bên cạnh đó, ở mỗi sàn giao dịch công nghệ lại gặp phải những khó khăn khác nhau.
Cụ thể, theo ThS. Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN, hầu hết quy mô của các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ còn yếu nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM hiện nay chỉ mới hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn chuyên gia lựa chọn công nghệ, tư vấn về pháp lý, sở hữu trí tuệ… mà chưa có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính.
Trong khi đó, về phía nguồn cung, kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ của các viện, trường đa phần chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm; việc đầu tư đổi mới công nghệ thuộc phạm trù đầu tư mạo hiểm nên các nhà đầu tư, doanh nghiệp còn tâm lý e ngại. Sản phẩm công nghệ chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Ngoài ra, các mạng lưới tổ chức, dịch vụ trung gian chưa phát triển, hoạt động yếu nên khó đẩy mạnh công tác thương mại hóa sản phẩm KHCN, chưa tạo được sức mạnh tổng thể với các sàn giao dịch trong việc thúc đẩy thị trường.
“Với Sàn giao dịch thông tin công nghệ của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, dù đã hoạt động hơn 10 năm nhưng hiệu quả vận hành chưa như mong muốn bởi số lượng giao dịch, nhất là những giao dịch thành công, giá trị của các giao dịch… chúng tôi không kiểm soát được”, ông Hiến cho biết. Thêm vào đó, hoạt động của sàn còn thiếu tính liên kết với các địa phương.
Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải xác định được mô hình hoạt động hiệu quả, tối ưu hóa nhất cho các sàn giao dịch công nghệ và đặc biệt là sàn giao dịch công nghệ quốc gia. Quá trình hình thành và phát triển Sàn giao dịch công nghệ IPI của Singapore có thể là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thành lập từ tháng 4/2011, IPI hoạt động với vai trò kết nối những nhà cung cấp công nghệ và đối tác đang tìm kiếm công nghệ. Việc kết nối này được thực hiện dựa trên 4 nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm: trao đổi 1-1, cổng thông tin công nghệ, các sự kiện mở (triển lãm, tọa đàm, hội thảo…) và mạng lưới quốc tế. Trong đó, hai nền tảng đang chưa phát triển ở các sàn giao dịch công nghệ của Việt Nam hiện nay chính là trao đổi 1-1 và mạng lưới quốc tế.
Theo ông Lim Ming Khai, PGĐ Sàn giao dịch công nghệ IPI, trao đổi 1-1 nghĩa là những khách hàng, công ty có nhu cầu công nghệ sẽ đến trao đổi với sàn giao dịch. Khi đó, quản lý công nghệ của sàn sẽ ghi chép lại các thông tin, yêu cầu của khách hàng trên.
Từ đây, những yêu cầu này được chuyển đến bên cung là các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở có thể cung cấp công nghệ để tìm ra các kết quả phù hợp. Sau đó, đơn vị trung gian sẽ tiếp cận kết quả, xem xét độ phù hợp để sàn giao dịch sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai bên.
Đối với mạng lưới quốc tế, đây là sự trao đổi hai chiều giữa nguồn cung, cầu trong nước và nguồn cung, cầu ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia của Việt Nam còn cần có những cách tiếp cận riêng để phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta. Theo đó, Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ Việt Nam đưa ra 3 đề xuất:
Thứ nhất, sàn giao dịch công nghệ quốc gia sẽ có sự tham gia, phối hợp hoạt động của nhiều đơn vị khác nhau trong mạng lưới chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Thứ hai, sàn được tổ chức và triển khai giao dịch công nghệ và thiết bị thường xuyên.
Video: Tọa đàm kết nối chuyển giao công nghệ
Quan trọng hơn hết, trong thời đại 4.0, sàn giao dịch công nghệ quốc gia cần triển khai vận hành hệ thống liên kết các sàn giao dịch công nghệ trong nước và quốc tế. Để làm được điều này, cần có cơ chế kỹ thuật cho phép tích hợp các nguồn thông tin phân tán thành một khối nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập của các nguồn thông tin qua các hệ thống kết nối internet với các nền tảng công nghệ khác nhau và sử dụng công nghệ điện toán đám mây để mọi người có thể truy cập vào dữ liệu hệ thống.
Ngoài ra, cần phải giải quyết các khó khăn hiện có liên quan đến phía cung, cầu và đơn vị trung gian để sàn giao dịch phát huy hiệu quả thực sự vai trò cốt lõi của nó trong hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học và định giá công nghệ.
Bình luận