Tại VEPF, Jack Ma chia sẻ sâu về cuộc cách mạng thanh toán điện tử và những nỗ lực mà ông cùng với các cộng sự của mình đang thực hiện nhằm thay đổi nền thương mại điện tử toàn cầu. Ông đề cập tới việc thanh toán di động có thể thúc đẩy toàn bộ lĩnh vực tài chính, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, cách mạng hóa cả nền kinh tế cũng như hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ. Nhờ sự bùng nổ của thiết bị di động và đặc biệt là sự phát triển của Internet mà kinh tế xã hội sẽ có những bước phát triển chưa từng có.
Jack Ma nhấn mạnh: “Người nào có thể tận dụng tối đa Internet trong kinh doanh, trong cuộc sống, người đó sẽ thành công”. Với suy nghĩ “Internet sẽ thay đổi thế giới và thay đổi Trung Quốc” cùng sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc khi mở rộng chính sách phát triển và bảo hộ doanh nghiệp trong nước, tỷ phú Jack Ma đã nhanh chóng đưa Alibaba trở thành tập đoàn công nghệ thống trị ở Trung Quốc, đánh bại eBay tại sân nhà và trực tiếp cạnh tranh với “ông lớn” thương mại điện tử Amazon.
Jack Ma trước đó từng thừa nhận: “Nếu không có Internet thì cũng sẽ không có Jack Ma, Alibaba hay Taobao nào cả”. Bên lề sự kiện gặp gỡ Jack Ma, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “Trong tận cùng khó khăn, Jack Ma vẫn luôn tin tưởng sứ mạng "dùng sức mạnh của Internet giúp Trung Quốc ra thế giới và giúp các doanh nghiệp nhỏ, người trẻ tuổi và phụ nữ làm thương mại điện tử một cách dễ dàng, hiệu quả và ít tốn kém".
Trong buổi đối thoại với 3000 sinh viên Việt Nam, Jack Ma tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Internet: “Việt Nam có khoảng 94 triệu dân, 54% trong số đó dùng Internet nhưng chỉ khoảng 4 triệu người mua sắm trên mạng, còn 90% hoạt động thanh toán được trả bằng tiền mặt. Hãy thử sức với thương mại điện tử, mua bán trên mạng, giao tiếp với mọi người qua mạng. Trong tương lai, mọi hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra trên mạng. Hãy tận dụng tối đa mạng Internet để thu thập kiến thức, học tập và kết bạn”.
Thực tế cho thấy, mặc dù thuộc top các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất, nhưng việc phát triển Internet tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế rõ nét so với khu vực và thế giới. Khi nhiều quốc gia đã phát triển 4G, thậm chí một số nước như Anh, Đức, Hàn Quốc đã đầu tư hàng triệu USD để phát triển mạng 5G thì ở Việt Nam tới nay vẫn đang sử dụng phổ biến mạng 3G, còn 4G mới chỉ “đang triển khai”.
Ngoài ra, dù tỷ lệ người dân sử dụng Internet ở Việt Nam khá cao nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, trong khi một lượng lớn dân số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa thể tiếp cận do thiếu hạ tầng, phương tiện và kỹ năng sử dụng Internet.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong kỷ nguyên kết nối toàn cầu, sự phát triển của Internet và công nghệ mạng di dộng thế hệ mới đóng vai trò rất quan trọng giúp tạo thêm nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giao thương, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý nhà nước và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ là thách thức của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Internet mà còn cần sự hỗ trợ về chính sách phát triển, mở rộng hành lang pháp lý từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp này lại đang phải chịu nhiều loại phí, quỹ chồng chéo lên nhau.
Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh Internet vừa phải nộp 0,5% doanh thu phí thương quyền lại vừa phải nộp thêm 1,5% doanh thu cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC, phí công ích có bản chất là chia sẻ lợi ích với cộng đồng, chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp, không nên quy định thành một loại phí bắt buộc.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia công nghệ nhìn nhận “cùng một lúc nộp 2 loại phí là quá sức nộp nghĩa vụ của doanh nghiệp” nhất là khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Internet đang rất khó khăn, họ cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ Internet.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) 2017 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đặt ra câu hỏi phải chăng Việt Nam đang “thụt lùi” so với khu vực và thế giới khi đặt ra quá nhiều loại thuế phí bất cập như vậy, làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp viễn thông Internet Việt Nam. Nhiều đơn vị đã kiến nghị nhà nước nhanh chóng bỏ quy định nộp phí viễn thông công ích. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho rằng nếu những dịch vụ nào của viễn thông có lợi nhuận chưa cao hoặc các dịch vụ đang cần khuyến khích phát triển thì nên hạn chế việc phải trích phí.
Bình luận