• Zalo

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Việt Nam nên chọn ngành nào?

Kinh tếThứ Hai, 15/09/2014 11:20:00 +07:00Google News

(VTC News) – TS. Võ Trí Thành cho rằng để gỡ nút thắt kém phát triển cho công nghiệp phụ trợ, Việt Nam nên lựa chọn những ngành có lợi thế như máy nông nghiệp.

(VTC News) – TS. Võ Trí Thành cho rằng để gỡ nút thắt kém phát triển cho công nghiệp phụ trợ, Việt Nam nên lựa chọn những ngành có lợi thế như máy nông nghiệp, công nghiệp điện tử…

Sau sự kiện Samsung đưa ra lời mời hợp tác cực kỳ hấp dẫn nhưng doanh nghiệp Việt đành phải tiếc nuối ‘lắc đầu’, nhiều cuộc hội thảo đã được mở ra, chỉ rõ những hạn chế khiến ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam yếu kém, lạc hậu.

Trả lời phỏng vấn VTC News, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy về thu hút FDI, đặc biệt cần lựa chọn lại những ngành có lợi thế so sánh như máy nông nghiệp, điện tử… để phát triển công nghiệp phụ trợ thay vì ngành công nghiệp ô tô đang thất bại thảm hại hiện nay.


- Từ câu chuyện của Samsung mới đây, ông dánh giá thế nào về ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay?

TS. Võ Trí Thành 
Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gia qua rất yếu. Nó thể hiện rất rõ trong câu chuyện của Samsung vừa rồi. Đấy, họ bảo giờ các anh làm đi, tôi sẵn sàng nhập của các anh. Nhưng doanh nghiệp của mình có làm được đâu?

Thực ra, câu chuyện này cũng là bình thường, vì lợi thế so sánh của Việt Nam nó vốn dĩ như vậy. Nhưng đằng sau câu chuyện này lại là vấn đề chính sách.

Thực tế, nếu về chính sách thì cũng có lĩnh vực Việt Nam không đến nỗi thất bại, thậm chí có thể coi là thành công, ví dụ như sản xuất xe máy. Xe máy Việt Nam những năm đầu 2000, công nghiệp phụ trợ rất yếu, chủ yếu là xe máy Trung Quốc.

Công nghiệp phụ trợ, các công ty cung cấp linh kiện cho Honda cũng rất yếu, lúc đó chủ yếu là lắp ráp. Nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa của Honda đã trên 90%.

Tuy nhiên nhiều ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp phụ trợ ô tô thì thất bại thảm hại. Tỷ lệ nội địa hóa sau nhiều năm đến nay rất thấp. Nguyên nhân là vì nó không có lợi thế về quy mô. Chính sách lại không hỗ trợ phát triển. Hạn chế về ô tô, về vấn đề giao thông, vấn đề môi trường, về vấn đề kết cấu hạ tầng rất nhiều. Không có lợi thế.

Trên thực tế, muốn có lợi thế so sánh thì ngay từ đầu anh phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng ta không làm được nên công nghiệp phụ trợ lẹt đẹt. Cái thứ 2 là phải học được cách chuyển giao công nghệ dần dần. Cả chính sách thay thế nhập khẩu của mình và chính sách bảo hộ ô tô của mình lại càng không đáp ứng 2 cái yêu cầu. Thất bại!

- Như vậy, để tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển, theo ông phải cần các điều kiện gì?

Thứ nhất là phải có được lợi thế về quy mô. Thứ hai, thông thường để phát triển thì doanh nghiệp phải trở thanh vệ tinh của những tập đoàn, doanh nghiệp tiên phong. Anh càng gần các doanh nghiệp lớn bao nhiêu thì khả năng chuyển giao công nghệ, khả năng học hỏi công nghệ càng tốt bấy nhiêu.

Ở Việt Nam hiện nay cũng có được một vài doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất của tập đoàn, doanh nghiệp lớn, song rát ít ỏi và cũng không phải là doanh nghiệp trực tiếp quan hệ với các doanh nghiệp này, mà qua trung gian.

Để làm thế nào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì có 2 câu chuyện. Trước tiên phải gắn ưu đãi nếu có nhưng không được quá đáng cho các tập đoàn đa quốc gia (TNC) khi họ vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải gắn với cam kết nghiên cứu triển khai và chuyển giao công nghệ dần cho doanh nghiệp đặc biệt là DNVVN của Việt Nam. Ví dụ cam kết tôi sẽ đào tạo thế này, tôi sẽ đưa DN Việt Nam vào dần thế này, sẽ mở phòng nghiên cứu triển khai thế này… Hay ở những khâu đòi hỏi công nghệ, quy trình quản lý, ở bước trung gian thì dần dần phải có người Việt Nam tham gia vào. Cái này đòi hỏi phải rất khéo trong quá trình đàm phán 2 bên.

Cái thứ 3, rất quan trọng, là bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu môi trường kinh doanh thế giới rất thay đổi theo xu hướng hội nhập, mở cửa, chuỗi hỗ trợ… nên cần phải tự nỗ lực để vươn lên, thích nghi, dần dần làm tốt hơn.

Có rất nhiều cách để vươn lên, mà trong trường hợp này nhà nước có thể có rất nhiều cách hỗ trợ doanh nghiệp. Ví du: thông tin, đào tạo và tạo dựng sự kết nối cho doanh nghiệp với các trung tâm nghiên cứu, trung tâm lao động.

- Hiện nay cả nước có gần 1.400 doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến công nghiệp phụ trợ như linh kiện điện, điện tử, kim loại, nhựa, cao su... Đây là con số không nhỏ, nhưng tại sao không thể đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, thưa ông?
    

Phải khẳng định con số đó chưa phải là nhiều, hơn nữa các doanh nghiệp đó làm gì, tham gia gì trong các khâu sản xuất của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hiện nay?

Tôi lấy ví dụ Canon chẳng hạn, chắc chắn Nhật giữ làm cái kim phun vì nó tạo ra giá trị gia tăng lớn. Nhưng còn các chi tiết khác thì sao? Hiện Việt Nam chỉ có mấy doanh nghiệp cung cấp các chi tiết phụ, ví dụ như vỏ máy in, chứ chưa làm được gì lớn.

 

Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy về thu hút FDI, đặc biệt cần lựa chọn lại những ngành có lợi thế so sánh như máy nông nghiệp, điện tử… để phát triển công nghiệp phụ trợ thay vì ngành công nghiệp ô tô đang thất bại thảm hại hiện nay.


 
Gần đây nhiều người nói “đến cái cúc áo Việt Nam cũng phải nhâp thì còn làm ăn được gì”. Câu nói ấy đúng nhưng chưa đầy đủ.

Chúng ta cần phải hiểu lợi thế tuyệt đối và lợi thế tương đối. Nếu đứng về mặt công nghệ và trình độ phát triển thì từ cái cúc, cái kim mà nếu nước Mỹ sản xuất thì cũng đều hơn Việt Nam bởi trình độ họ hơn.

Nhưng tại sao Mỹ chọn làm Boeing mà lại không chọn làm cúc, làm kim, làm áo? Sao để Việt Nam làm, mặc dù nói về lợi thế tuyệt đối, với sức mạnh, với năng lực của, với công nghệ của Mỹ thì họ hoàn toàn làm hơn Việt Nam?

Vấn đề là đầu tư vào cái gì lợi nhất. Vậy thì họ làm Boeing là lợi nhất. Cái đó người ta gọi là lợi thế so sánh, chứ không phải là lợi thế tuyệt đối.

Khi mở cửa hội nhập thì lợi thế so sánh được phát huy. Bởi vậy nói là vì ta yếu quá cho nên cái kim, sợi chỉ ta cũng phải nhập là không đúng. Đó là xét ở khía cạnh tuyệt đối. Nó không đúng với thực tế. Nếu thế thì tại sao giờ Việt Nam xuất khẩu được 140 tỷ /năm mà vẫn có những lợi thế tương đối của nó, về tài nguyên, mặt hàng nông sản, về những mặt hàng công nghệ cao, như dệt may, da giày… Tất nhiên giá trị gia tăng thấp. Đó là câu chuyện của lợi thế so sánh. Chưa đúng.

Nhưng nó đúng ở chỗ là chúng ta đang ở trình độ sản xuất năng lực thấp và đó cũng chính là nỗi đau ta phải chấp nhận. Nhưng cái chính là ta có vươn lên được không? Doanh nghiệp Việt cần phải vươn lên dần dần. Chúng ta đừng quá bi quan về chuyện ấy.

- Ông vừa nói chúng ta không nên quá bi quan về tương lai ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, vậy nhận định của ông về lĩnh vực này trong thời gian tới như thế nào?

Tôi cho là tốt. Ví dụ điện tử sẽ tốt. Đây là lĩnh vực Việt Nam được coi là có tiềm năng. Hơn nữa, lĩnh vực này không chỉ ở Việt Nam, mà ở một số nước ĐNA, họ đã có những bước thành công rồi nên cũng sẽ có những điều kiện quan trọng để phát triển.

Nhưng cũng có một số lĩnh vực chúng ta cần phải sửa đổi căn bản, ví dụ như chiến lược ngành ô tô… Phải sửa ngay. Ngay cả cái chiến lược vừa thông qua này cũng phải sửa… Chính phủ đừng chọn “ngành thắng cuộc” để quyết định đầu tư, chỉ nên hỗ trợ để các ngành phát triển chứ đừng can thiệp quá sâu bằng chính sách.

Ngành công nghiệp phụ trợ của còn Việt Nam khá lạc hậu

Vấn đề ở đây không phải đặt ra là ta làm thuê hay không làm thuê. Ta phải tận dụng lợi thế so sánh mình đang có thì người ta mới chọn mình. Cái quan trọng là doanh nghiệp Việt phải tự vươn lên dần trong cái quá trình kết nối ấy. Điều đó sẽ quyết định mình thắng hay bại.

- Có ý kiến cho rằng, bây giờ Việt Nam nên chọn riêng một ngành như máy nông nghiệp để phát triển công nghiệp phụ trợ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng lựa chọn đầu tư vào máy nông nghiệp là được. Đây là một trong 6 lĩnh vực Việt Nam – Nhật Bản chọn.

Vì sao lại chọn ngành này? Lý do là nền nông nghiệp Việt Nam có lợi thế so sánh. Thứ 2 là, chúng ta phải hiểu thị trường của ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ là Việt Nam mà còn nhiều nước khác như Lào, Campuchia... Như vậy có lợi thế về quy mô.

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang bị ô nhiễm, giá trị gia tăng thấp, chưa gắn nhiều với công nghiệp chế biến, việc phát triển công nghiệp phụ trợ ở lĩnh vực này là hợp lý.

Rõ ràng máy nông nghiệp đã có những lợi thế vốn có về quy mô. Còn làm như thế nào để phát triển thì cái đó phải là thị trường chứ mình không thể dạy được cho các doanh nghiệp được…

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn