Ngày 5/4, báo chí đưa tin cô Minh Hương - giáo viên trường tiểu học An Đồng, Hải Phòng - bắt em P.A. uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng.
Câu chuyện khiến nhiều người hoang mang. Họ đặt câu hỏi tại sao cô giáo thiếu tình thương như thế lại hoạt động trong lĩnh vực giáo dục vì "không người bình thường nào nỡ làm vậy".
Cô không được dạy đến nơi đến chốn
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng những sự việc đáng tiếc trong ngành giáo dục gần đây gióng hồi chuông về chất lượng đào tạo sư phạm.
Ông nhấn mạnh việc các trường sư phạm nước ta chưa dạy đúng hướng, trang bị cho sinh viên nhiều kiến thức lý luận, nhưng lại yếu về vận dụng thực tế.
Như trường hợp ở Hải Phòng, nếu cô giáo từng được hướng dẫn các biện pháp kiểm soát trật tự của lớp đúng cách, chắc hẳn cô sẽ không phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng chỉ vì nói chuyện riêng trong lớp.
Chuyện nam sinh ở Quảng Bình đâm thầy giáo khi bị nhắc nhở xóa hình xăm cũng không xảy ra nếu giáo viên nắm bắt được tâm lý học trò ở tuổi trưởng thành, đừng làm mất sĩ diện của trò trước lớp và chọn biện lời khuyên mang tính riêng tư, tình cảm thầy trò thì hiệu quả cao hơn.
Trong khi đó, tại trường sư phạm, sinh viên được học về Tâm lý rất nhiều. Đáng tiếc, nội dung giảng dạy vẫn thiên về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, sinh viên chưa được học cách vận dụng để xử lý các trường hợp cụ thể.
Qua các trường hợp giáo viên hành xử không đúng mực, các trường sư phạm cần rút kinh nghiệm, đào tạo sao cho đảm bảo chất lượng sinh viên. Việc dạy lý luận phải đi đôi với hướng dẫn sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế, tình huống cụ thể.
Nếu trường vẫn dạy theo kiểu để giáo sinh đến lớp, nghe giảng, chép bài rồi thi cử thì không thể rèn luyện kỹ năng ứng xử sư phạm được. Thay vào đó, sinh viên cần được trải nghiệm tình huống để học cách phản ứng phù hợp.
Nói cách khác, trường sư phạm cần đào tạo đúng kiểu chuyên nghiệp, tức có thực hành trong tình huống cụ thể như lớp có xung đột giữa trò với trò, giữa học trò với giáo viên thì giáo viên nên xử lý như thế nào.
Đây là phần nhiều giáo viên, đặc biệt các thầy cô trẻ, còn yếu kém. Vì thế, ngoài tăng cường tính thực hành xử lý tình huống ở trường sư phạm, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề của giáo viên cần bổ sung thêm công tác đào tạo kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, giáo viên đưa ra các hình phạt phản giáo dục là hệ quả của quá trình đào tạo, tu dưỡng chưa đến nơi đến chốn. Họ là "sản phẩm lỗi" của trường sư phạm và có thể chịu ảnh hưởng từ chính gia đình họ.
Ông nói thêm không ít giáo viên đôi khi ngộ nhận mình có quyền lực tuyệt đối, lạm dụng quyền lực đó, muốn phạt học sinh thế nào cũng được.
Nếu thầy cô phải gần gũi, thân thiện với học trò, tạo cho các em thói quen chia sẻ những vấn đề trong học tập, cuộc sống, bạo lực học đường sẽ được hạn chế rất nhiều.
Ông hy vọng các nhà giáo không dùng những lý do như áp lực cuộc sống, lương thấp, học trò nghịch để biện giải cho việc mình mất kiên nhẫn, thậm chí đối xử thô bạo với các em.
TS Vinh cho rằng khi đã chọn nghề giáo, thầy cô chấp nhận lương thấp, đổi lại sự bền vững ổn định việc làm và có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình, con cái.
Ngoài ra, ông cha có câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Học trò thời nào cũng vậy, nghịch ngợm, hiếu động. Bản thân giáo viên cũng từng cắp sách đến trường, cần hiểu được điều này, không thể coi đây là một trong những áp lực khiến họ hành xử không đúng mực.
Nhà giáo phải là người giỏi chuyên môn, kỹ năng sư phạm được trui rèn, sống tình cảm, độ lượng, không đối xử bất công, lạm dụng quyền lực. Họ đã chọn sự nghiệp trồng người thì nên tuân theo đạo đức, văn hóa nghề nghiệp nhà giáo.
"Giáo viên đừng đổ vạ cho hoàn cảnh, sức ép công việc vì cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhiều thầy cô vẫn rất tốt, được học trò tôn trọng, quý mến. Mọi người cũng không nên vì vài trường hợp mà đánh giá không tốt về toàn bộ nhà giáo cũng như nền giáo dục hiện nay", TS Vinh bày tỏ.
Bình luận