Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người thấy có trách nhiệm tham gia vào “biết, bàn, làm, kiểm tra”.
Một trong những mũi đổi mới rất mạnh trong giáo dục đó là công tác quản lý, thực hiện dân chủ để làm sao có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở.
"Nhưng thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo có những đặc thù không giống ở phường, xã, và trường đại học, cao đẳng cũng khác với trường phổ thông, tiểu học, mầm non. Đây là vấn đề cần phải lưu ý".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Dân chủ là mục tiêu lớn của toàn xã hội. Tuy nhiên, với riêng ngành giáo dục, vấn đề này có một vai trò đặc biệt. Bởi lẽ, việc phát huy dân chủ trong ngành giáo dục sẽ quyết định việc đổi mới giáo dục có thành công hay không”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để xây dựng được cơ chế dân chủ thực sự trong môi trường giáo dục thì cần thay đổi tư duy quản lý theo kiểu áp đặt cầm tay chỉ việc, rà soát lại quy trình bổ nhiệm và tuyển dụng giáo viên, đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục trên cả ba phương diện gồm tự chủ về chuyên môn, về tài chính và về nhân sự.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho rằng, các trường đều có văn bản đầy đủ về quy chế dân chủ trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện lại phụ thuộc hoàn toàn vào người đứng đầu, ở đây là các hiệu trưởng.
“Tại nhiều nơi, quy chế dân chủ vẫn mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất. Dẫn chứng từ câu chuyện khiếu kiện kéo dài nhiều năm tại trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) hay vụ việc xảy ra tại trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội)”, bà Nghĩa cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, đây là bài học về dân chủ và trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy vậy, những câu chuyện trên chỉ là cá biệt, không phải là phổ biến trong môi trường giáo dục.
Bình luận