Theo chia sẻ của Linda, sau hơn 1 tháng nạo silicon ra khỏi mặt, mọi thứ không những không cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ. Dù đã tiêm rất nhiều thuốc, thậm chí tìm đến cả những bác sĩ giỏi nhất trong nước nhưng vết thương bên trong vẫn chưa lành mà còn ứ dịch và sưng phù nhiều hơn.
“Sự việc đã xảy ra như vậy rồi thì mình chẳng quan trọng gì đến sĩ diện và sắc đẹp nữa, nên thôi cứ chấp nhận và đối đầu với nó xem như một bài học để đời. Đây, tình trạng hiện giờ là mặt mình đã bị biến dạng hơn 70% sau khi nạo silicon ra khỏi mặt. Đến nay cũng đã hơn 1 tháng nhưng tình trạng không hề cải thiện mà mặt mình ngày càng méo mó biến dạng hơn và tệ đi trông thấy!” – cô nói thêm.
Gương mặt biến dạng hiện tại của Linda
Silicon là gì, tại sao lại để lại hậu quả đáng sợ đến như vậy?
Thật sự, silicon là một vật liệu trong y khoa, tuy nhiên, do những biến chứng đáng sợ nên loại chất này đã bị cấm sử dụng từ năm 1992, nhất là đối với lĩnh vực thẩm mỹ. Một nguyên nhân nữa là vì silicon lỏng y khoa rất đắt tiền và hiện nay trên thị trường hầu như là không có.
Silicon có nhiều dạng như lỏng, gel, đặc và silicon đặc biệt nguy hiểm ở dạng lỏng và chích trực tiếp. Nếu chích một lượng lớn vào cơ thể có thể bị tử vong ngay lập tức do thuyên tắc phổi, nhất là khi dùng “nhầm” silicon công nghiệp.
Silicon công nghiệp không dùng cho người, được bán đại trà khắp nơi trên thị trường. Và điều đáng sợ là người bán/người chích thường gọi dung dịch này là mỡ nhân tạo để đánh lừa người tiêu dùng.
Còn một lưu ý nữa về silicon chính là không phải loại dầu nào được bán ở thị trường cũng đều là silicon mà có thể là paraffin, lanoline thậm chí là dầu đậu nành, chính vì thế khi tiêm vào cơ thể sẽ gây biến chứng khủng khiếp.
Các chuyên gia luôn khuyến cáo các biến chứng nguy hiểm thường gặp sau khi tiêm silicon là lở loét, hoại tử, biến dạng, méo mó, sần sùi… Dù vậy, không ít người hầu như bỏ ngoài tai. Tỉ lệ bơm silicon bị biến chứng thuyên tắc phổi rất cao, khoảng 20%-30%. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong rất cao. Tại Việt Nam vẫn còn xảy ra những ca tử vong đáng tiếc do người tiêu dùng thiếu hiểu biết và ham rẻ.
Vậy khi đã tiêm vào cơ thể, tiến hàng nạo silicon có được không?
Silicone lỏng khi vào cơ thể sẽ thâm nhập vào trong mô dưới da, trong cơ, sụn, xương thành một khối thống nhất, không thể tách rời. Vì vậy, muốn lấy chất này ra khỏi cơ thể, bệnh nhân buộc phải lấy luôn cả phần thịt bị nhiễm độc. Các phương pháp khác như hút, nạo, chích thuốc, đều không có hiệu quả và sẽ làm tình trạng xấu đi.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Thạc sĩ tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện chỉnh hình Hà Nội: Khi lấy những khối silicon không bao giờ được chọc hút ra bởi đó là những đường rò và không bao giờ liền được. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ bóc tách ở các đường khác sau đó mới lấy ra được. Nếu chỉ sờ và tự chọc hút ra thì sẽ khiến da mặt bị nhấp nhô.
Khi khuôn mặt bị biến dạng vì silicon thì vẫn cần bóc tách cả phần silicon nằm trong các tổ chức lành. Điều này vẫn sẽ làm cho khuôn mặt bị mấp mô, biến dạng và sẽ không bao giờ hết được.
Mổ lấy silicone lỏng là phẫu thuật lớn, thường phải gây mê, khoảng bóc tách rộng. Sự hiện diện của mô ghép làm thời gian theo dõi chăm sóc hậu phẫu kéo dài, khó khăn. Về việc dùng thuốc sau mổ phải, bệnh nhân phải tuân theo những lời dặn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
Video: Bơm silicon dạo, người phụ nữ phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú
Đã có trường hợp nào chịu hậu quả của silicon chưa?
Chị T.N.D (27 tuổi, Q. 5, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng biến chứng xơ cứng, thâm nhiễm thành mảng lớn trên toàn bộ ngực, lan sang hai bên bụng, nách, hai bên cổ. Chị D. chia sẻ, người bán và tiêm silicon nói đây là mỡ nhân tạo cao cấp, được xách tay từ Mỹ về rất an toàn, không có biến chứng. Lần đầu tiêm thấy hiệu quả nên chị đã thực hiện tất cả 6 lần để nâng 2 bên ngực với giá hơn 2.000 USD.
Bà N.T.H (57 tuổi, quê Trà Vinh) được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng sốt cao, sốc nhiễm trùng, thuyên tắc phổi… sau khi bơm silicon lỏng. Số silicon lỏng đưa vào người bà nhiều đến nỗi các bác sĩ phải giật mình vì từ trước đến nay chưa từng tiếp nhận trường hợp như thế. Dù rất cố gắng nhưng bà H. không qua khỏi do nhiễm trùng huyết, thuyên tắc mạch máu…
Ba phụ nữ khác ngụ tại TP.HCM và Bình Dương nhập viện trong tình trạng vùng ngực biến dạng, mưng mủ, sưng tấy, lở loét, nhiễm trùng phải tiến hành mổ cắt da và điều trị bằng kháng sinh. Theo lời kể, 3 người này đã được một người tiêm silicon dạo tiêm “mỡ nhân tạo” để nâng ngực. Hóa chất này không vón cục nhưng gây nhiễm trùng nặng, các bác sĩ vẫn chưa xác định rõ thành phần của hỗn hợp này là gì.
Không riêng gì ba trường hợp trên, rất nhiều chị em cũng phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ việc làm đẹp bằng chất cấm
Làm đẹp là đặc quyền của phụ nữ, tuy nhiên làm đẹp thế nào để đảm bảo được sức khỏe và sự an toàn cho bản thân mới thật sự cần thiết. Trước khi quyết định chi tiền cho các phẫu thuật tốn kém nhằm tân trang nhan sắc, chị em nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn gốc, lợi ích cũng như tác hại của phương thức thẩm mỹ sẽ áp dụng nhé!
Bình luận