Thông thường, hình thành các cục máu đông (huyết khối) là quá trình cần thiết để cầm máu khi cơ thể bị thương. Sau đó, chúng sẽ bị phá vỡ khi vết thương lành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cục máu đông hình thành không rõ nguyên nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Hiệp hội Huyết học Mỹ giải thích: “Tiểu cầu (một loại tế bào máu) và protein trong huyết tương phối hợp với nhau để cầm máu bằng cách hình thành cục máu đông. "Thông thường, cơ thể sẽ làm tan cục máu đông sau khi vết thương lành. Tuy nhiên, đôi khi, cục máu đông hình thành ở bên trong mạch mà không có vết thương rõ ràng hoặc không tan một cách tự nhiên".
Khi điều này xảy ra, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Tình trạng này dễ gây ra nhiều rủi ro khác nhau, tùy thuộc vào vị trí hình thành trong cơ thể và các triệu chứng kèm theo. Cục máu đông giống như khối thạch khi máu chuyển từ dạng lỏng sang rắn. Chúng có thể xuất hiện trong tĩnh mạch hoặc động mạch của tim, não, phổi, bụng, tay và chân.
Bởi vậy, các chuyên gia y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện các dấu hiệu ban đầu bao gồm chuột rút, sưng tấy hoặc nóng một vùng da… Ngoài ra, còn có 2 triệu chứng ban đầu nghiêm trọng khác ít được nói tới hơn.
Khó thở
Khó thở là một triệu chứng nghiêm trọng không nên bỏ qua. WebMD cảnh báo: "Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có cục máu đông trong phổi hoặc tim. Tim của bạn đập nhanh hoặc bạn đổ mồ hôi, ngất xỉu”.
Đổi màu da
Khi một cục máu đông bịt kín các tĩnh mạch ở cánh tay hoặc chân của một người, da khu vực đó có thể đổi màu hơi xanh hoặc hơi đỏ.
Blood Clot Recovery giải thích, những thay đổi về màu da, chẳng hạn như chuyển sang tái nhợt, đỏ, xanh hoặc tím là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu. Khi đó, một cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, thường xảy ra ở chân, có thể gây nguy hiểm.
WebMD cho biết thêm: “Cục máu đông có thể gây chết người và bạn sẽ không biết chắc mình mắc phải cho đến khi được kiểm tra. Bác sĩ có thể kê thuốc làm tan cục máu đông hoặc phẫu thuật”.
Bình luận