• Zalo

Phát hiện thành phố mất tích dưới đáy hồ, giữa miệng núi lửa 84.000 năm

Khám pháThứ Sáu, 08/04/2022 16:41:00 +07:00Google News

Giữa "hồ núi lửa" Atitlán sâu nhất Trung Mỹ, các cấu trúc bí ẩn của một thành phố ma đã được tìm thấy sau hàng ngàn năm mất tích.

Hồ Atitlán vốn là một miệng núi lửa cổ đại, được hình thành sau vụ phun trào thảm khốc 84.000 năm về trước. Vào thời điểm 2.400 năm trước, khu vực này không ngập sâu như hiện tại và đã được người Maya chọn lựa để xây dựng thành phố Samabaj.

Phát hiện thành phố mất tích dưới đáy hồ, giữa miệng núi lửa 84.000 năm - 1

Thành phố ma dưới đáy hồ núi lửa Atitlán được xác định là Samabaj của người Maya. (Ảnh: INAH)

Theo nhóm nghiên cứu từ Mexico, Guatemala, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp và Argentina, dẫn đầu bởi Bảo tàng Lịch sử và nhân chủng học quốc gia Mexico (INAH), họ đã khám phá và lập được bản đồ thành phố Maya cổ đại này nhờ nhiều cuộc lặn từ năm 2017 tới nay.

Ngoài ra, họ còn sử dụng công nghệ viễn thám để đo đạc chính xác thành phố.

Thành phố Samabaj được xây dựng từ năm 400 trước Công Nguyên và tồn tại cho đến năm 250 sau Công Nguyên, là một khu định cư phồn thịnh, chứa tất cả các cấu trúc đặc trưng cho nền văn hóa tâm linh đặc sắc của người Maya.

Phát hiện thành phố mất tích dưới đáy hồ, giữa miệng núi lửa 84.000 năm - 2

Nhóm nghiên cứu chuẩn bị cho một chuyến lặn thám hiểm. (Ảnh: INAH)

Những tàn tích còn lại của thành phố ma bao gồm đền thờ, quảng trường, bia đá, tượng đài và nhiều nhà ở.

Samabaj không nằm dọc theo bờ hồ trên một đảo nhỏ lọt thỏm giữa Atitlán cổ đại. Thật không may cho thành phố, một sự kiện núi lửa dưới nước, bắt đầu khoảng 2.000 năm trước, diễn ra âm ỉ vài thế kỷ, đã gây nên những xáo trộn khu vực đáy hồ.

Hậu quả là đến một ngày, mực nước bỗng dâng đột ngột khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán nhanh chóng.

Hiện nay hồ Atitlán có diện tích bề mặt là 130 km vuông và sâu 340 mét.

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn