Theo Thanh tra Chính phủ, số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, theo đó, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can phạm tội về tham nhũng.
Cùng với đó, đã kết luận điều tra 197 vụ, 521 bị can. Hiện đang điều tra 137 vụ, 295 bị can.
Viện kiểm sát nhân dân đã thụ lý kiểm sát điều tra 225 vụ, 450 bị can về tham nhũng, (so với cùng kỳ năm trước tăng 42 vụ). Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1%; số bị cáo được cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2%.
Tuy nhiên, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, việc xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt lớn chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn nhiều người có hành vi tham nhũng với tài sản có giá trị lớn nhưng chỉ bị xử phạt kỷ luật hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: TTXVN.
Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều người dân, ngay cả cán bộ, công chức, viên chức coi phòng chống tham nhũng là công việc của Nhà nước, ít quan tâm tới việc phát hiện, tố cáo tham nhũng.
Cũng theo ông Hiện, trong nhiều năm, qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính; số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít. Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.
“Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Việc xử lý đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp vẫn bị kéo dài, có những vụ án được khởi tố điều tra cách đây nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Thực tế cho thấy, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gậy hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân” – ông Hiện nêu.
Theo đó, Ủy ban Tư pháp nhận định, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tình hình phát hiện và xử lý tham nhũng trong các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên đây.
"Chính phủ cần đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng để tìm ra giải pháp khắc phục cụ thể, có hiệu quả" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả là do hoạt động của lực lượng chức năng không hiệu quả. “Vấn đề trước hết là phải nhận diện tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng, nhận dạng nó thế nào thì mới phòng chống được” – ông Lý nhấn mạnh.
Trần Vũ
Bình luận