• Zalo

Phát hiện những viên đá lạ ở phần tối của Mặt Trăng

Khám pháThứ Bảy, 22/02/2020 09:46:48 +07:00Google News

Các mẫu đá giống như được kết dính lại từ nhiều mảnh vỡ không đồng nhất, có khả năng nó được hình thành từ một vụ va chạm thiên thạch hoặc từ vỏ Mặt Trăng nguyên thủy.

Robot thám hiểm của Trung Quốc đã ghi lại được một số hình ảnh về những mẫu đá màu nhạt, bố trí với mật độ thưa thớt. Mẫu vật được tìm ra này hoàn toàn mới lạ, có thể giúp hoàn chỉnh những hiểu biết về lịch sử địa chất và quá trình phát triển của Mặt Trăng.

Các mẫu đá chỉ bị xói mòn nhẹ. Trên Mặt Trăng, hiện tượng này gây ra bởi bụi sao chổi, kết hợp với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm. Theo thời gian, đá có xu hướng bị ăn mòn thành đất. Do đó, mức độ xói mòn cho thấy những mẫu đá này tồn tại ở đây chưa quá lâu.

Phát hiện những viên đá lạ ở phần tối của Mặt Trăng - 1

Hình ảnh từ Yutu-2 về bề mặt miệng núi lửa Von Kármán. (Ảnh: CNSA/CLEP)

Tiến sĩ Dan Moriarty làm việc tại NASA cho biết kích thước, hình dạng và màu sắc các mẫu đá cung cấp manh mối về nguồn gốc của chúng. "Những mẫu đá này trông khá giống nhau về kích thước và hình dạng, vì vậy, có thể đoán chúng liên hệ mật thiết với nhau", ông nói.

"Tàu thăm dò Chang'e-4 hạ cánh trên một miệng núi lửa. Vật chất của núi lửa này tối hơn nhiều so với đất đá trên các cao nguyên Mặt Trăng. Có khả năng thành phần của chúng phần lớn là vật chất trên những cao nguyên Mặt Trăng", ông Dan cho hay.

Tàu đổ bộ Chang'e-4 thực hiện bước ngoặt lịch sử vào tháng 1/2019: Lần đầu tiên công nghệ loài người tiếp cận được phần tối của Mặt Trăng tại khu vực Von Kármán, miệng núi lửa rộng khoảng 180 km, xuất hiện khoảng 3,6 tỷ năm trước. Dung nham đã tràn qua đây nhiều lần kể từ khi hình thành, vì vậy miệng núi lửa tương đối bằng phẳng và tối. Núi lửa này nằm trong lưu vực Aitken - Nam Cực.

Phát hiện những viên đá lạ ở phần tối của Mặt Trăng - 2

Một trong các mẫu đá được phát hiện. (Ảnh: CNSA/CLEP)

Moriarty lưu ý hình ảnh mẫu vật có độ phân giải cao hơn sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn. "Nếu mẫu đá giống như được kết dính lại từ nhiều mảnh vỡ không đồng nhất, có khả năng nó được hình thành từ một vụ va chạm thiên thạch. Nếu chúng có kết cấu chặt chẽ hơn, chúng có thể là đá vỏ của Mặt Trăng nguyên thủy, “vô tình” được khai quật bằng một tác động nào đó", ông cho biết.

Gần đây, Trung Quốc đã công bố loạt dữ liệu khổng lồ, hình ảnh từ tàu đổ bộ Chang'e-4 và robot thám hiểm Yutu-2. Tuy nhiên, những hình ảnh phân giải cao về các mẫu vật này vẫn chưa được công khai.

Về tuổi của mẫu đá, Moriarty nói rằng có khả năng chúng được hình thành sau các sự kiện tái tạo bề mặt lớn trong miệng núi lửa Von Kármán. "Đó có thể là 10-100 triệu năm hoặc 1-2 tỷ năm trước. Thật khó để nói chính xác", Tiến sĩ cho biết.

Phát hiện những viên đá lạ ở phần tối của Mặt Trăng - 3

Dấu vết Yutu-2 di chuyển trên Mặt Trăng. (Ảnh: CNSA/CLEP)

Yutu-2 được điều hướng để phân tích một trong các mẫu vật bằng thiết bị quang phổ cận (VNIS). Dù gặp trở ngại vì mẫu vật khá nhỏ, địa hình Mặt Trăng lại rất khó để di chuyển, nhóm nghiên cứu đã tính toán để đưa các mẫu đá vào góc soi của VNIS. Cho đến nay, Yutu-2 đã di chuyển được 357m kể từ khi đáp xuống miệng núi lửa Von Kármán.

31/1 là cột mốc thời gian đánh dấu 14 ngày tàu đổ bộ Chang'e-4 và Yutu-2 thực hiện nhiệm vụ thám hiểm nửa tối Mặt Trăng. Yutu-2 sau đó sẽ được điều hướng đi về phía Tây Bắc, cuối cùng là phía Tây nam để tiếp cận mục tiêu chỉ định.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn