Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hệ thống sao kép kỳ lạ giữa dải Ngân hà của chúng ta, trong đó một ngôi sao đang "ăn thịt" bạn đồng hành của mình.
Các nhà thiên văn học thuộc Đại học California, Berkeley (Mỹ) đã quan sát được hệ thống sao kép kỳ lạ khi sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble và Đài quan sát tia X Chandra của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Họ phát hiện, một ngôi sao trong hệ thống đang giằng kéo vật chất từ ngôi sao còn lại.
Vật liệu phát thải tạo ra một chiếc đĩa lớn quanh 2 ngôi sao khi quá trình "xơi tái đồng loại" diễn ra, để lộ lõi khí heli siêu nóng của ngôi sao bị ăn thịt.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, lượng vật liệu bao quanh hệ thống sao kép này lớn đến mức các chuyên gia không thể nghiên cứu chúng một cách tách rời.
Thay vào đó, họ có thể phỏng đoán các đặc điểm của các ngôi sao thông quá nghiên cứu đĩa khí bao quanh.
Ngôi sao bị tước đoạt vật liệu được gọi là một ngôi sao Wolf-Rayet. Đây là ngôi sao đang tiến hóa nhanh chóng, với kích thước lớn hơn rất nhiều lần mặt trời của chúng ta và đang bị mất các lớp hyđro bên ngoài rất nhanh, để lộ lõi heli vô cùng sáng chói và siêu nóng.
Sao Wolf-Rayet có thể hình thành theo hai cách, khi một ngôi sao khổng lồ phát thải khí hyđro của chính nó do một trận gió mặt trời cực mạnh hoặc khi một ngôi sao đồng hành dùng lực hấp dẫn tước đoạt vật liệu của nó. Hệ thống sao kép mới được phát hiện rơi vào trường hợp sau và ngôi sao Wolf-Rayet được đặt biệt danh là "Nasty 1", theo các chữ cái đầu trong họ của hai nhà thiên học đã khám phá ra nó vào năm 1963 - Jason Nassau và Charles Stephenson.
Quá trình "hút" vật liệu từ NaSt1diễn ra không hiệu quả, khiến lượng lớn khí bị thất thoát thành tinh vân hình đĩa quanh hệ thống sao kép. Tinh vân có chiều rộng 3,2 ngàn tỉ km này được cho là mới chỉ vài ngàn năm tuổi và chỉ cách Trái đất khoảng 3.000 năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học dự đoán, trong tương lai, ngôi sao ăn thịt đồng thoại có thể trải qua hàng loạt vụ nổ hoặc ngôi sao bị ăn thịt có thể trở thành siêu tân tinh.
Do hơn 70% các ngôi sao khổng lồ được cho là thành viên của các hệ thống sao kép, nên các nhà thiên văn học rất quan tâm tìm hiểu hệ thống sao kép của NaSt1.
Nguồn: Vietnamnet
Bình luận