• Zalo

Phát hiện mới về quái vật xà đầu long, khả năng sống ở hồ Loch Ness

Khám pháThứ Năm, 28/07/2022 11:27:48 +07:00Google News

Các nhà khoa học cho biết việc phát hiện hóa thạch xà đầu long (plesiosaur) dưới đáy sông châu Phi cổ đại cho thấy một “quái vật” có khả năng sống ở hồ Loch Ness.

Hóa thạch của loài bò sát thời tiền sử được tìm thấy trong hệ thống sông 100 triệu năm tuổi ở sa mạc Sahara của Morocco.

Điều này cho thấy một số loài trước đây được cho là sinh vật nước mặn, có thể đã sống trong các hệ thống nước ngọt, BBC đưa tin hôm 27/7.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Bath nhận định rằng có vẻ “hợp lý” khi một con plesiosaur có thể sống sót trong hồ Scotland.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng loài bò sát cổ dài thời tiền sử này đã chết cùng với khủng long cách đây 66 triệu năm.

Phát hiện mới về quái vật xà đầu long, khả năng sống ở hồ Loch Ness - 1

Hình mô phỏng cho thấy plesiosaur đang lần tránh một động vật săn mồi khác. (Ảnh: Tiến sĩ Nick Longrich)

Xương và răng của những con plesiosaur trưởng thành dài 3 m và xương cánh chi trên của plesiosaur non dài 1,5 m đã được tìm thấy ở đáy sông kỷ Phấn trắng.

Tiến sĩ Nick Longrich, từ Trung tâm Tiến hóa Milner của Đại học Bath, cho biết: “Chúng tôi không thực sự biết lý do loài plesiosaur lại sống trong nước ngọt”.

“Có một chút tranh cãi, nhưng ai có thể nói rằng vì chúng tôi - các nhà cổ sinh vật học - luôn gọi chúng là 'loài bò sát biển' nên chúng phải sống ở biển? Rất nhiều loài động vật biển đã xâm chiếm môi trường nước ngọt”.

Trong khi các loài động vật biển như cá voi và cá heo đi lang thang trên sông - để kiếm ăn hoặc vì chúng bị lạc - số lượng hóa thạch cho thấy điều này khó có thể xảy ra trong trường hợp của plesiosaur.

Các nhà khoa học cho rằng một khả năng có thể xảy ra là plesiosaur sống được cả ở môi trường nước ngọt và nước mặn.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bath, Đại học Portsmouth và Đại học Hassan II ở Morocco đã góp công vào phát hiện này.

Plesiosaur do thợ săn hóa thạch Mary Anning lần đầu tìm thấy vào năm 1823. Đây là loài bò sát có đầu nhỏ, cổ dài và bốn chân chèo dài, được mệnh danh là quái vật biển cổ dài.

Hóa thạch của plesiosaur đã truyền cảm hứng cho việc tái tạo lại Quái vật hồ Loch Ness.

Phát hiện mới về quái vật xà đầu long, khả năng sống ở hồ Loch Ness - 2

Xương hóa thạch của plesiosaur được tìm thấy trong hệ thống sông 100 triệu năm tuổi ở sa mạc Sahara của Morocco. (Ảnh: BBC)

Hồ nước ngọt này, ở phía tây nam của Inverness, được hình thành trong thời kỳ băng hà ở Great Glen hơn 10.000 năm trước.

Tiến sĩ Longrich nói thêm: “Những bộ xương biệt lập thực sự cho chúng ta biết rất nhiều điều về hệ sinh thái cổ đại và động vật trong đó. Chúng phổ biến hơn rất nhiều so với bộ xương, chúng cung cấp nhiều thông tin hơn để nghiên cứu”.

“Xương và răng được tìm thấy rải rác và ở các địa phương khác nhau, không phải là một bộ xương. Vì vậy, mỗi phần xương và mỗi chiếc răng thuộc một con vật khác nhau. Chúng tôi có hơn một chục con vật khác nhau trong bộ sưu tập này”.

Về truyền thuyết quái vật, các nhà khoa học cho biết ở một mức độ nào đó, thật hợp lý khi một plesiosaur có thể sống sót trong vùng nước của hồ.

Họ nói thêm: "Nhưng hồ sơ hóa thạch cũng cho thấy rằng sau gần 150 triệu năm, những con plesiosaur cuối cùng đã chết cùng lúc với loài khủng long".

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn