Theo Contagion Live, nhóm chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Đại học Washington và Bệnh viện Nhi đồng Seattle, đã phát hiện kháng thể trung hòa vẫn tồn tại trong cơ thể của trẻ em sau 6 tháng nhiễm nCoV.
Trong bản trình bày tại IDWeek năm nay, đại diện nhóm tác giả, tiến sĩ Lauren E. Gentles, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho hay họ đã thực hiện nghiên cứu trên các bệnh nhi được điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Nhi đồng Seattle từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2021.
Nhóm tuyển chọn 32 trẻ em dưới 18 tuổi. Trong đó, 27 bé không có tình trạng suy giảm miễn dịch hay bệnh lý đi kèm. 25/27 bệnh nhi có triệu chứng khi mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu của 32 bệnh nhi 3 lần trong 62 tuần và kiểm tra hiệu giá kháng thể trung hòa với nCoV (PRNT50). PRT50 được coi là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện và đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus hay không. Trong phòng thí nghiệm, máu của tình nguyện viên sẽ được pha loãng, trộn chung với virus sống để đánh giá hiệu quả bảo vệ của kháng thể tự nhiên.
Kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ tuần thứ 4 đến 24, 10 trẻ có hiệu giá trung hòa giảm hơn 2 lần; 12 trẻ giảm dưới 2 lần; 5 trẻ có hiệu giá trung hòa tăng hơn 2 lần theo thời gian.
Trong số 27 trẻ này, chỉ một trẻ không có hoạt tính trung hòa SARS-CoV-2 có thể phát hiện được ở tuần thứ 24. Với kết quả trên, bà Lauren đưa kết luận sau 6 tháng khỏi COVID-19, trẻ em vẫn có kháng thể trung hòa chống lại nCoV mạnh mẽ.
TS Lauren nói thêm: “Những phát hiện này rất thú vị. Nghiên cứu đang được tiến hành và chúng tôi tiếp tục thu thập thêm mẫu”.
Vị chuyên gia cũng cho hay thời gian tới họ sẽ tính đến việc so sánh kháng thể tự nhiên ở trẻ em khỏi COVID-19 với những trẻ được tiêm vaccine. Phần lớn tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đều dưới 12 tuổi nên họ phải chờ vaccine COVID-19 cho nhóm tuổi này được cấp phép để có dữ liệu so sánh.
Trẻ em được xem là nhóm ít bị tổn thương bởi COVID-19. Đa số trẻ mắc bệnh đều trong tình trạng nhẹ. Tuy nhiên, một số bệnh nhi gặp biến chứng nghiêm trọng, phải nhập viện, thậm chí tử vong sau khi mắc COVID-19. Chưa kể, đây cũng là nhóm gặp nhiều vấn đề dai dẳng hậu Covid-19. Do đó, các nước đang tích cực đẩy mạnh tiêm chủng vacine cho trẻ em.
IDWeek là hội nghị thường niên do Hiệp hội Các bệnh Truyền nhiễm Mỹ (IDSA), Hiệp hội Dịch tễ Chăm sóc Sức khỏe Mỹ (SHEA), Hiệp hội Y khoa HIV (HIVMA), Hiệp hội Các bệnh Truyền nhiễm Nhi khoa (PIDS) và Hiệp hội Truyền nhiễm Dược sĩ bệnh (SIDP) phối hợp tổ chức.
Sự kiện là diễn đàn cho các chuyên gia y tế đầu ngành trao đổi về những vấn đề, thách thức mà họ đang phải đối mặt, qua đó học hỏi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để cải thiện dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, sức khỏe cộng đồng. IDWeek 2021 diễn ra từ ngày 29/9 đến 3/10.
Bình luận