Ngày 28/5, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - cho biết, nhóm chuyên gia Ấn Độ vừa phối hợp với các chuyên gia Việt Nam thực hiện việc khai quật tại đền A10.
Theo Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, rất nhiều hiện vật được phát hiện, nhất là đài thờ và 4 trụ đá thuộc ngôi đền này. Đặc biệt các chuyên gia phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga-Yoni liền khối còn khá nguyên vẹn, có kích thước 2,24m x 1m68.
Ông Jalihal Ranganath - Trưởng nhóm công tác bảo tồn, khẳng định, đây là một bộ Linga-Yoni liền khối lớn nhất tại khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong điêu khắc Chăm Pa.
"Với việc phát hiện này, chúng ta có một đài thờ hoàn chỉnh thuộc đền A10. Việc phát hiện và phục hồi lại vị trí nguyên gốc cho đài thờ và 44 trụ đá thuộc ngôi đền đã làm rõ chức năng của ngôi đền là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng Linga-Yoni và đã trả lại không gian thờ tự như xưa", Ông Jalihal Ranganath nhận định.
Ngôi đền A10 được xây dựng vào thế kỷ IX dưới triều vua Indravarman II. Cùng với đền B4, đền A10 là một trong hai ngôi đền tiêu biểu mang phong cách Đồng Dương tại thung lũng Mỹ Sơn. Được khai quật vào năm 1903 và 1904, khi đó tường phía Nam giáp với A1 còn khá cao, tuy nhiên do chiến tranh, công trình này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ kết quả khai quật tại di tích Mỹ Sơn của các chuyên gia Pháp (EFEO) trong các năm 1903-1904 cho thấy, hầu hết trong lòng các đền thờ đã bị xáo trộn do những cuộc săn lùng báu vật trước khi các chuyên gia Pháp tiếp cận Mỹ Sơn.
Bình luận