Bộ xương của một con ngư long - loài bò sát ăn thịt thời tiền sử đã tuyệt chủng có tên thường được gọi với cái tên "rồng biển" được tìm thấy trong Khu bảo tồn tự nhiên Rutland Water tại Anh hồi tháng 1/2021.
Hóa thạch dài hơn 10 m, riêng hộp sọ đã dài tới 2,1 m và nặng khoảng 1 tấn. Nó sống cách đây khoảng 180 triệu năm trong Kỷ Jura khi khủng long đi bộ trên cạn.
“Nó là bộ xương hoàn chỉnh và lớn nhất so với bất kỳ bộ xương khủng long nào từng được tìm thấy ở đây", nhà cổ sinh vật học Dean Lomax, người dẫn đầu cuộc khai quật cho biết.
Theo ông Lomax, trong suốt khoảng thời gian mình sinh sống, ngư long nằm trên cùng của chuỗi thức ăn. Nó là một loài săn mồi đỉnh cao, có lẽ là một trong những loài động vật biển lớn nhất trên toàn thế giới.
Ngư long được phát hiện lần đầu tiên cách đây gần 200 năm trên Bờ biển kỷ Jura ở phía nam nước Anh. Chúng tuyệt chủng cách đây 90 triệu năm.
Ngoài kích thước khổng lồ, hóa thạch còn gây chú ý vì được tìm thấy bên ngoài các khu vực ở bờ biển phía nam và Yorkshire của Anh vốn là những nơi từng phát hiện các mẫu vật tương tự.
Lomax cho biết ông hy vọng hóa thạch hoàn chỉnh này sẽ giúp các nhà cổ sinh vật có thêm hiểu biết về ngư long - điều mà họ không thể tìm thấy trong các mẫu vật trước đây.
Bộ xương hiện được lưu trữ trong phòng thí nghiệm và sẽ được trưng bày trong trong vòng 18 đến 24 tháng tới.
Bình luận