Ngày 30/8, ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) ký Thông báo Kết quả kiểm tra, xem xét việc khiếu nại của một số hộ dân về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất làm dự án Khu Công nghệ cao và nội dung tố cáo liên quan đến việc thu hồi, sử dụng đất tại quận 9, TP HCM.
Việc kiểm tra này được thực hiện từ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 17/5/2016.
Thu hồi đất sai quy định
Ông Trần Lực, đại diện các hộ dân đã có các nội dung tố cáo như sau: UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận 9 công khai quy hoạch không đúng bản đồ chi tiết; chỉ đạo quận 9 thực hiện đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án Khu CNC nhưng không lập phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là trái quy định.
Người dân cũng tố cáo và đề nghị làm rõ biểu hiện tham nhũng và lợi ích nhóm trong việc thu hồi thêm 334,75ha ngoài diện tích đất được phê duyệt...
Ngày 25/8/2016, ông Trần Lực đại diện các hộ dân gửi đơn bổ sung yêu cầu UBND TP.HCM công khai bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 được cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt; phần đất nào không nằm trong ranh giới diện tích dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phải trả lại đất, tài sản trên đất cho công dân…
Quá trình kiểm tra, TTCP khẳng định, việc hình thành và đầu tư Dự án xây dựng Khu CNC vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, sự nóng vội triển khai dự án Khu CNC, UBND TP.HCM và các sở, ngành có liên quan, Ban Quản lý Khu CNC và UBND quận 9 đã bỏ qua nhiều thủ tục bắt buộc về quy hoạch, trình tự thủ tục thu hồi, giao đất được quy định trong Luật đất đai 1993 và các luật liên quan.
Đồng thời, các đơn vị liên quan không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 989/QĐ-TTg ngày 4/11/1998 (giao nhiệm vụ tiến hành chuẩn bị thành lập Khu CNC TP Hồ Chí Minh) dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, gay gắt của nhiều công dân.
Trong 3 quyết định thu hồi đất của UBND TP.HCM (số 2666 năm 2002 thu hồi 804ha; số 2717 năm 2003 thu hồi khoảng 6,9ha; số 2193 năm 2004 thu hồi khoảng 102ha) và Quyết định 989 của Thủ tướng Chính phủ (800ha) không có tên phường Hiệp Phú, nhưng thực tế lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú và không thu hồi đất phường Phước Long B.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại bức xúc gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, đến ngày 1/11/2006, tức là 8 năm sau quyết định của Thủ tướng, UBND TP.HCM mới ban hành Quyết định số 4877/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung địa danh đất thu hồi, tha112233y đổi tên phường Phước Long B thành phường Hiệp Phú.
Video: Hàng loạt trạm thu phí BOT đặt "nhầm chỗ"
Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, TTCP cho biết, cả 3 quyết định thu hồi và giao đất của UBND TP với tổng diện tích 913,1633ha không thực hiện phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các bộ, ngành liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể và nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 Khu CNC để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại quyết định số 989.
Hơn nữa, từ năm 1998 – 2008, UBND TP.HCM không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ căn cứ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu CNC, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để điều chỉnh Quy hoạch chung Khu CNC, xác định quy mô diện tích chức năng CNC từ 800ha thành 803,9867ha là chưa phù hợp quy định.
Theo quy định tại Luật Công nghệ cao, Khu CNC do Thủ tướng Chính phủ thành lập, tên, quy mô diện tích và vị trí Khu CNC thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
Trách nhiệm của UBND TP.HCM
TTCP xác định, Chủ tịch UBND TP.HCM thời kỳ thực hiện dự án có thiếu sót về trình tự thủ tục thu hồi và giao đất. Đây là trách nhiệm của UBND TP.HCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường.
TTCP cũng khẳng định, UBND TP.HCM chỉ đạo Quận 9 tiến hành thực hiện đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng không lập phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là nguyên nhân chính dẫn đến việc khiếu nại bức xúc kéo dài của nhiều hộ dân bị thu hồi đất.
Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót nêu trên là UBND TP.HCM, Sở Tài chính, UBND quận 9 và Ban quản lý Khu CNC.
TTCP kiểm tra ngẫu nhiên nội dung giải quyết một số vụ khiếu nại kéo dài cho thấy, một số vụ việc khiếu nại có cơ sở và người dân vẫn còn tiếp tục khiếu nại hoặc chuyển sang tố cáo, một số vụ việc giải quyết thiếu công bằng giữa các trường hợp có khiếu nại tương tự…
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng, khó thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý sử dụng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án có sự buông lỏng quản lý dẫn đến thiếu kiểm soát.
Từ kết quả kiểm tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM rà soát, xem xét các trường hợp bị thu hồi đất và tài sản mang tính đặc thù, có biện pháp giải quyết theo hướng đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Thành phố cần chấm dứt ngay việc chi tạm ứng trái quy định; ra quyết định thu hồi 81 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích quận 9 ứng vốn ngân sách từ năm 2005 đến nay chưa hoàn trả.
Bên cạnh đó, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM kiểm điểm theo thẩm quyền đối với các cơ quan tham mưu đã ban hành quy định chính sách đền bù hỗ trợ thiệt hại mà không lập phương án bồi thường, buông lỏng quản lý liên quan đến việc thu hồi diện tích ngoài Khu CNC để làm 9 dự án.
Bình luận