(VTC News) - Tiêu hủy toàn bộ số hàng thu giữ mang nhãn “sữa tươi Ba Vì” của công ty Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì trong đợt kiểm tra hồi đầu tháng 6 vừa qua của cơ quan chức năng.
Đây là kết luận được công an thành phố Hà Nội đưa ra ngày hôm nay (14/6) liên quan đến kết quả kiểm nghiệm và kết quả điều tra đối với vụ “sữa tươi Ba Vì” bị làm nhái được cơ quan chức năng phát hiện hồi đầu tháng 6.
Theo đó, gần 2.300 gói bánh sữa các loại, 133 chai sữa dê, sữa bò không đường loại 1.000 ml, hơn 1.000 cốc sữa chua, caramen các loại, gần 100 kg nhãn mác và 4.100 vỏ hộp các loại mà đoàn kiểm tra đã thu giữ và niêm phong sẽ được tiến hành tiêu hủy do không đạt chất lượng.
Một mẫu nhãn mác chưa được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng - Ảnh: Hà An
Kết quả giám định các mẫu sản phẩm sữa tươi Ba Vì bị làm nhái, do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện, cho thấy, có 3 mẫu sản phẩm của Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì không đạt chỉ tiêu về hàm lượng và chất lượng. Cụ thể, các mẫu “sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch không đường”; “sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch không đường” có hàm lượng protein sữa, hàm lượng lipit không đảm bảo tiêu chuẩn. Riêng mẫu bánh sữa Ba Vì có hàm lượng protit không đạt.
“Với ba lỗi vi phạm chính là xâm phạm nhãn mác của UBND huyện Ba Vì, sản xuất sản phẩm không đảm bảo chất lượng và không chứng minh được nguồn gốc các nguồn nguyên liệu, chúng tôi sẽ họp và ra quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở làm nhái sản phẩm sữa Ba Vì nói trên. Nếu công ty này còn vi phạm chúng tôi sẽ tiến hành xử lý hình sự”- Trung tá Hà Thế Hùng, Đội trưởng Đội chống hàng giả và xâm phạm SHTT, Phòng PC46 Công an Hà Nội – đoàn kiểm tra liên nghành cho biết.
Trao đổi với PV, Trung tá Hùng cho biết, tại buổi làm việc với UBND huyện Ba Vì ngày 07/6/2012, đại diện huyện khẳng định chỉ cấp phép cho hai đơn vị là Công ty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) và Công ty Cổ phần sữa Ba Vì được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa Ba Vì. Các đơn vị khác sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì là vi phạm về sử dụng nhãn hiệu hàng hóa.
Cũng theo ông Hùng, tại buổi làm việc với cơ quan công an ngày 12/6, ông Phùng Phương Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần sữa tươi Ba Vì cũng đã thừa nhận không được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sữa mang địa Ba Vì và việc sản xuất trái phép sữa tươi Ba Vì đóng chai loại 1 lít là vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác. Đại diện đơn vị làm nhái nhãn hiệu sữa Ba Vì này cũng không xuất trình được với cơ quan chức năng giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sữa bột nguyên liệu, phụ gia để sản xuất các sản phẩm sữa và bánh sữa.
Hồi tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng cũng kiểm tra các mẫu của đơn vị làm nhái sản phẩm sữa Ba Vì nói trên và phát hiện 2 mẫu sản phẩm là “Sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch” và “Sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch” có các chỉ tiêu về Coliforms và Ecoli cao gấp nhiều lần cho phép.
Trần Minh
Bình luận