Đầu phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 13/6, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) giơ biển tranh luận liên quan tới ý kiến của ông Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đưa ra sáng nay.
"Với trách nhiệm là ĐBQH, mỗi chúng ta ở đây phải làm tròn trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân. Vì vậy, ĐBQH hay nói rộng ra là đại biểu của dân, không thể và không được vô cảm trước nhân dân, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
Những gì tôi phát biểu sáng nay trước Quốc hội và nhân dân xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm vì dân, vì công lý, vì trách nhiệm xây dựng chung, trong đó có cả cơ quan tư pháp. Phát biểu của Đại biểu Phong vô hình trung dẫn dắt suy nghĩ là ĐBQH nói theo báo chí, dư luận phản động, dễ dẫn tới tổn thương tư cách ĐBQH", vị Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị nhấn mạnh.
Trong phát biểu tại nghị trường Quốc hội sáng nay, đại biểu Thắng cho rằng kết quả trong phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh điều tra, truy tố đưa ra xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng, đã mang lại niềm tin cho nhân dân, xã hội và dư luận.
Tuy vậy, một số vụ án vừa qua khi tòa xét xử nảy sinh một số vấn đề gây chú ý, nghi ngờ, bức xúc trong dư luận xã hội, nghi vấn trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng.
Trong phần tranh luận sau đó, đại biểu Phạm Hồng Phong cho rằng dư luận trên thực tế có những hoài nghi phán quyết của toà án trong vụ Hồ Duy Hải, vụ ở Bình Phước và một số vụ án mà đại biểu Hoàng Đức Thắng đề cập.
Đại biểu Phong cho biết, khi xét xử, HĐXX phải đọc hồ sơ, có vụ án hồ sơ đầy cả một xe ô tô, phải đọc nhiều tháng, kiểm tra chứng cứ, lời khai và qua tranh tụng tại phiên toà mới đưa ra phán quyết.
“Chúng ta không nên dựa trên một vài trang giấy hay vài bình luận của báo để đưa ra quyết định thiếu cơ sở”, ông Phong nói.
Bày tỏ đồng quan điểm với đại biểu Phong về nhận định "không để thế lực thù địch lợi dụng chống phá", đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng để làm được điều này cần "phải sửa mình cho tốt, không làm sai, làm trái thì không ai chống phá được"
"Bài học đấu tranh chống diễn biến hòa bình vừa qua đã quá rõ. Tôi thành tâm đồng ý và hoan nghênh thiện ý này của Đại biểu Phong", ông Thắng cho hay.
Vị đại biểu đoàn Quảng Trị cùng với đó khẳng định Quốc hội là diễn đàn của nhân dân mà ĐBQH là người đại diện, chứ không phải diễn đàn riêng cho người nào, nhưng trong thời gian qua có những cách thể hiện chưa đúng với tinh thần này.
"Tôi chia sẻ với đại biểu là cán bộ của ngành tòa án và rất cần phải cầu thị... Tôi chắc rằng ngành tòa án không thể không có sai lầm, khuyết điểm, nếu không nói có cả vi phạm pháp luật", ông Thắng nói.
Ông cũng khẳng định bản thân không đánh giá việc xử lý một số vụ án thời gian qua là đúng hay sai nhưng việc dư luận hoài nghi là có thật.
"Đây là thông điệp, thông tin, kiến nghị để ngành Tòa án, các cơ quan tư pháp tự soi lại, kiểm tra lại, rà soát lại có đúng như dư luận hay không. Nếu không đúng thì đó là điều rất hạnh phúc, còn nếu chưa tốt thì chúng ta phải làm cho tốt rồi thông tin lại nhân dân", ông cho hay.
Ngay kế đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng đưa ra ý kiến tranh luận về phát biểu sáng nay của đại biểu Phạm Hồng Phong.
Theo đại biểu Nghĩa, việc đại biểu Hồng Phong nói bản chất chế độ ở Việt Nam không có tam quyền phân lập là đúng, do đó mới có Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất lập ra và giám sát hành pháp, tư pháp. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Quốc hội phải có trách nhiệm trước cử tri là thực thi quyền giám sát đối với hành pháp và tư pháp.
Để thực thi quyền giám sát, Quốc hội thành lập cơ quan kiểm toán để thực thi giám sát về tài chính ngân sách, lập Viện kiểm sát nhân dân tối cao giám sát việc chấp hành pháp luật. Vậy nên, đại biểu phát biểu về hành pháp, tư pháp trong đó có vụ án cụ thể phản ánh băn khoăn của cử tri, đồng thời là trách nhiệm của đại biểu.
"Tuy rằng chúng ta quy định quyền tư pháp là cao nhất, nhưng luật cũng có quy định Viện kiểm soát có quyền kiểm soát tư pháp, kể cả ở giai đoạn cao nhất sau khi có bản án giám đốc thẩm. Luật hiện nay đã quy định sau khi có bản án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Ủy ban Tư pháp, Viện kiểm soát tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có quyền có ý kiến và Quốc hội có quyền tổ chức giám sát tối cao đối với các vụ việc đã có quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nên quan điểm về vấn đề "thế lực thù địch", đại biểu Nghĩa trích lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có những cán bộ tưởng là công khai phê bình khuyến điểm của mình là có hại, thế lực thù địch sẽ lợi dụng để tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn kẻ địch tuyên truyền thì không gì hơn là khắc phục khuyến điểm và sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì điều gì muốn bưng bít người ta cũng biết".
Kết luận lại ý kiến tranh luận của mình, ông Nghĩa dẫn lại ý kiến của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Không phải cứ đỏ mà chín đâu".
Bình luận