• Zalo

Pháp thừa nhận tên lửa gặp sự cố trong vụ không kích Syria

Thế giớiThứ Sáu, 20/04/2018 07:53:00 +07:00Google News

Hải quân Pháp phải dùng chiến hạm dự bị để phóng 3 tên lửa hành trình sau khi kế hoạch tấn công ban đầu không thực hiện được do tên lửa trên các tiêm kích của Pháp gặp vấn đề.

Trong chiến dịch không kích Syria ngày 14/4, lực lượng quân đội Pháp tham chiến tương đối hạn chế với 3 tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP phiên bản hải quân và 9 tên lửa Storm Shadow/SCALP phiên bản không quân. Nhưng kế hoạch tác chiến được quân đội Pháp đề ra ban đầu bị đổ vỡ.

Theo truyền thông Pháp, cả hải quân lẫn không quân nước này đều gặp sự cố khi phóng tên lửa hành trình vào Syria. Tại Địa Trung Hải, các hộ vệ hạm đa năng lớp Aquitaine mang theo tên lửa hành trình SCALP của Pháp được triển khai bao gồm hộ vệ hạm l’Aquitaine, l’Auvergne và Le Languedoc. Tuy nhiên chỉ có duy nhất hộ vệ hạm l’Auvergne phóng được 3 tên lửa hành trình.

Hộ vệ hạm l’Auvergne phải thay thế vai trò của hộ vệ hạm l’Aquitaine tham gia đợt tấn công đầu tiên. Theo L’Opinion, hộ vệ hạm Le Languedoc bỏ lỡ cơ hội phóng và lệnh phóng tên lửa bị hủy bỏ, trong khi đó theo kế hoạch ban đầu, các hộ vệ hạm của Pháp phải phóng nhiều hơn 3 tên lửa hành trình.

5ad8f9a9dda4c819288b4584

Tên lửa hành trình Storm-Shadow / SCALP EG trên tiêm kích Rafale của Hải quân Pháp. (Ảnh: MBDA)

Hải quân Pháp xác nhận thất bại của đợt phóng đầu tiên từ hộ vệ hạm l’Aquitaine. Vụ không kích Syria ngày 14/4 là lần đầu tiên tên lửa hành trình SCALP phiên bản hải quân ra mắt nhưng kế hoạch của Paris không hề trôi chảy.

Không quân Pháp cũng gặp sự cố trong chiến dịch không kích Syria, 5 tiêm kích Rafale mang theo tổng cộng 10 tên lửa hành trình SCALP thực hiện phóng tên lửa, tuy nhiên chỉ có 9 tên lửa hoạt động và phi công buộc phải thả tên lửa bị sự cố vào khu vực an toàn.

Đại diện phía quân đội Pháp nói rằng toàn bộ mục tiêu bị các tên lửa còn lại giải quyết, tờ Le Point đăng tin. Những sự cố mà hải quân và không quân Pháp gặp phải trong chiến dịch không kích Syria ngày 14/4 khiến Điện Elysee không khỏi bối rối.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đối mặt với chỉ trích vì ra lệnh không kích Syria mà không có sự đồng ý của Nghị viện Pháp, thậm chí bị đặt trong tình huống khó xử hơn khi ông Macron từng tuyên bố chính phủ của mình có các thông tin tình báo mật xác nhận rằng chính phủ Syria có thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 7/4.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố Douma là không có cơ sở.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn