Theo bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình, trong sự cố chạy thận khiến 9 người chết ở Hòa Bình có dấu hiệu buông lỏng quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế Hòa Bình.
Theo cơ quan truy tố, kỹ thuật nhân tạo được thực hiện thường quy tại nhiều bệnh viện trên cả nước nhưng đến ngày 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố làm 9 bệnh nhân thiệt mạng - PV), Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn, quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ để áp dụng trong thực tiễn, không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO.
Chỉ đến ngày 13/4/2018, Bộ Y tế mới có Quyết định số 2482/QĐ-BYT ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo với 52 quy trình kỹ thuật thận nhân tạo.
"Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định về chủ thể nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo, thiếu những quy định cần thiết để quản lý đầy đủ, chặt chẽ hoạt động liên kết đặt máy chạy thận nhân tạo giữa bệnh viện và nhà sản xuất, cung ứng, cũng như việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các đơn vị thực hiện chức năng chữa bệnh suy thận bằng kỹ thuật thận nhân tạo.
Đặc biệt, có dấu hiệu buông lỏng quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng nước dùng để lọc máu thận nhân tạo nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đây được xác định là một trong những thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng, là điều kiện góp phần gây ra hậu quả vụ án" - bản cáo trạng nêu.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế Hòa Bình và Bộ Y tế chưa có các hoạt động kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chuyên sâu về hoạt động lọc máu chu kỳ tại Đơn nguyên lọc máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Ngoài ra, VKSND tỉnh Hòa Bình sẽ có kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan và tăng cường thanh tra, kiểm tra sâu sát, toàn diện đối với hoạt động lọc máu tại các cơ sở y tế trên cả nước nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh chạy thận nhân tạo.
Trong bản cáo trạng, bác sĩ Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người", theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.
5 bị can khác gồm ông Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc), Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng Vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư) và ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) cùng bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Như vậy, điểm mới của cáo trạng lần này so với cáo trạng trước đó là sự thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương từ tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sang tội "Vô ý làm chết người".
Video: Bác sĩ Hoàng Công Lương bị buộc tội Vô ý làm chết người
Bình luận