Tại cuộc họp báo chiều 16/8 của Ban Nội chính Trung ương, báo chí đặt câu hỏi, liên quan tới vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, toà án đã xét xử vắng mặt với đối tượng bỏ trốn. Đến nay, các cơ quan đã xác định được bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC chưa và việc tương trợ tư pháp giữa các nước có liên quan trong việc truy bắt bị án này như thế nào?
Trả lời câu hỏi liên quan tới nội dung này, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương - cho biết, đây là vấn đề Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực rất quan tâm.
Ông Yên nêu rõ, quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam cho phép xét xử vắng mặt với những trường hợp có hành vi phạm tội nhưng bỏ trốn. Dù có bỏ trốn nhưng chứng cứ phạm tội rõ ràng thì vẫn đủ điều kiện để xét xử và tuyên án.
Ông Yên nhấn mạnh, đây là tiền đề phục vụ cho việc truy bắt. Với đối tượng truy nã, chưa có bản án thì cũng gặp những khó khăn trong việc hợp tác quốc tế về truy bắt. Tuy nhiên, khi đã là tội phạm, có bản án có hiệu lực pháp luật thì việc hợp tác quốc tế về truy bắt tội phạm sẽ thuận lợi hơn.
Ông Yên cho hay, không phải chỉ có lực lượng điều tra của Bộ Công an mà các lực lượng cơ quan chức năng của chúng ta ở nước ngoài, nhất là lực lượng ngoại giao, Bộ Ngoại giao, các lực lượng khác nữa cũng phải phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung.
Trước đó, ngày 4/1/2023, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với 36 bị cáo trong đại án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo vụ gian lận đấu thầu tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Bị cáo Nhàn bị tuyên 14 năm về tội "Đưa hối lộ" và 16 năm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hình phạt là 30 năm tù cho cả 2 tội danh, cao nhất trong số 36 bị cáo.
Bình luận