Những năm 70 thế kỷ trước, hải quân Liên Xô bắt tay vào một dự án chưa từng có tiền lệ, chế tạo một loại tàu tuần dương có kích thước ngang với các thiết giáp hạm trong Thế chiến I và Thế chiến II mang tên Kirovs.
Ban đầu, con tàu này chỉ được xây dựng để đối phó với các mối nguy hiểm đến từ các loại tàu sân bay, tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ. Nhưng hiện nay, Nga còn tham vọng hơn khi tiếp tục nâng cấp, thêm nanh vuốt để tăng cường khả năng tác chiến vốn đã rất đáng gờm của lớp tàu chiến này.
Những thông số ấn tượng
Kirovs ban đầu là tuần dương chống hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử, được thiết kế để “săn” tàu ngầm tên lửa của Mỹ, đối phó với các tàu sân bay của phương Tây, đồng thời bảo vệ “pháo đài” hạt nhân của Nga khỏi các mối đe dọa đến từ tàu tấn công, tàu ngầm của Anh và Mỹ.
Kirov là tuần dương hạm duy nhất trên thế giới sử dụng hệ thống động lực hạt nhân kết hợp với động cơ turbine hơi nước giúp có thể đạt tới tốc độ tối đa là 30 hải lý/giờ.
Với chiều dài 252 mét, rộng 28,5 mét, mớn nước 9,1 mét, lượng giãn nước toàn tải 28.000 tấn, Kirov được xem là tuần dương hạm “khủng” nhất thế giới hiện nay.
Được vũ trang cực mạnh với kho vũ khí khủng khiếp gồm pháo hạm AK-130 2 nòng cỡ 130mm, hàng loạt các loại tên lửa chống hạm, phòng không với uy lực khủng khiếp, ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, bệ rocket chống ngầm RBU-6000…, Kirov được cho là có đủ sức tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên biển, trên không từ tầm gần tới tầm xa.
Thêm nanh vuốt
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva tiếp nhận phần lớn các lực lượng quân sự của Liên Xô, trong đó bao gồm cả 4 tàu lớp Kirov, nhưng hiện tại chỉ còn chiếc Piotr Đại đế vẫn đang phục vụ trong Hải quân Nga.
Tuy nhiên mới đây, Hải quân Nga cho biết họ đang đẩy mạnh quá trình đại tu chiếc Đô đốc Nakhimov, con tàu thứ ba trong bốn tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Kirov.
Theo một số nguồn tin, Đô đốc Nakhimov sẽ được trang bị thêm các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng khai hoả được nhiều loại tên lửa chống hạm, tên lửa đối đất và đối không và cùng hệ thống radar điều khiển hỏa lực và tác chiến điện tử hiện đại hơn so với phiên bản cũ.
Như vậy, sau khi nâng cấp, từ tàu tuần dương chuyên săn tàu sân bay, Nakhimov sẽ trở thành một tàu tuần dương đa năng có thể tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau với tầm bắn tối đa tới 2.500km.
Sau khi hải quân Nga hoàn thành việc đại tu Nakhimov vào năm 2018, Pyotr Velikiy sẽ là con tàu thứ hai thuộc lớp Kirov được thêm 'nanh vuốt' trong khoảng thời gian 3 năm.
Đây chắc chắn sẽ là tin không vui đối với Mỹ bởi lớp tàu Kirov đã trở thành cơn ác mộng với nhiều tàu chiến, tàu sân bay của Washington ngay khi từ khi chúng mới được đưa vào phục vụ chứ chưa nói đến các phiên bản mới được nâng cấp.
Video: Chiến cơ Nga chạm trán tàu khu trục Mỹ
Rõ ràng, Nga đã chứng minh được rằng, kể cả những lớp tàu chiến bị đánh giá lạc hậu, già cỗi vẫn có thể khiến cả thế giới phải kiêng dè.
National Interest cho rằng, việc Nkhimov và Pyotr Velikiy được hồi sinh mới chỉ là phát súng khởi đầu báo hiệu việc Nga có thể sẽ hồi sinh nhiều khí tài chiến đấu khủng nữa trong những thập kỷ tới đây. Mỹ và phương Tây đương nhiên sẽ phải để mắt tới điều này.
Bình luận